Long An: Quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Bến Lức

Cập nhật 14/10/2011 16:30


Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi,thu hút các dự án vào địa bàn huyện Bến Lức (Ảnh: K.V)
Huyện Bến Lức, tỉnh Long An nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại, có hệ thống giao thông thuận tiện nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Việc quy hoạch khu đô thị mới Bến Lức là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại và dịch vụ của huyện Bến Lức sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và tỉnh Long An nói chung.

Theo đó, Khu vực nghiên cứu về đô thị Bến Lức gồm 8 xã, 1 thị trấn, có đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đi ngang, nút giao thông lên đường cao tốc tại giao lộ Đường tỉnh 830 thuộc xã An Thạnh. Phía bắc giáp các xã: Bình Đức, Lương Hòa, Tân Hòa( huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Phía Nam giáp các huyện Tân Trụ, Cần Đước(Long An). Phía Đông giáp huyện Cần Giuộc (Long An) và thành phố Hồ Chí Minh. Phía Tây giáp huyện Thủ Thừa(Long An).

Quy mô, diện tích là 12.142,56 ha. Uỷ ban nhân dân huyện Bến Lức là chủ đầu tư, Trung tâm Quy hoạch Xây dựng-Sở Xây dựng Long An là cơ quan nghiên cứu quy hoạch. Phương án phát triển không gian đô thị mới Bến Lức với mục tiêu từng bước xây dựng đô thị mới Bến Lức hoàn chỉnh theo định hướng hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, theo chuỗi đô thị vùng hành lang Quốc lộ 1A, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại. Tổ chức không gian đô thị gồm các công trình công cộng và dịch vụ-thương mại, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các công trình công nghiệp, đất xây dựng khu công nghiệp, nhà ở ô phố và một số công trình khác.

Thế mạnh của Bến Lức trong tương lai chính là phát triển khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà hàng. Hiện các khu công nghiệp của huyện Bến Lức đã phát triển phủ kín trên 20% diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra, các hệ thống hạ tầng cơ sở nội bộ như: giao thông, công viên cây xanh, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, bến xe… đều được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, sau khi đồ án Quy hoạch chung được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt, Bến Lức đã có Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị. Thiết kế nhà ở tại đây đều phát huy đặc trưng đô thị sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Đồ án cũng đã xác định các khu vực mở rộng đô thị, xây dựng các khu đô thị mới đồng thời xác định các tuyến, khu cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, Bến Lức có một hệ thống giao thông thủy, bộ rất thuận lợi, đó là tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Quốc lộ N2 đi qua địa bàn huyện góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Các tuyến tỉnh lộ 830, 832, 835 nối với Quốc lộ 1A và các tuyến Hương lộ tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh và rất thuận tiện trong việc giao lưu với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Ngoài các tuyến đường bộ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông thủy cũng rất phát triển. Sông Vàm Cỏ Đông đổ ra Biển Đông, có cảng quốc tế BourBon Bến Lức được đưa vào khai thác từ năm 2005 với ngành nghề chính là chế biến, đóng gói và kinh doanh khai thác cảng, dịch vụ cảng, bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ kho bãi, nhà xưởng tại cảng. Đây là là một lợi thế mà ít địa phương nào có được.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐCSVN