Lỗi quy hoạch, ai chịu?

Cập nhật 21/10/2013 15:19

Việc Hà Nội dừng dự án Khách sạn SAS Royal Hotel (Chủ đầu tư SIH Investment Limited - Singapore) tại khu đất 295 Lê Duẩn nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất khiến không ít chuyên gia quy hoạch, kiến trúc lẫn những người quan tâm đến đô thị thở phào.

Bởi lẽ điều này cũng đồng nghĩa với việc sau gần 4 năm đấu tranh, một trong những lá phổi xanh hiếm hoi của TP đã có thể được bảo toàn. Tuy nhiên, đổi lại, TP Hà Nội sẽ phải dành một khu đất mới trên đường Phạm Hùng để bù vào khu đất trong công viên Thống Nhất cộng với “mất đứt” hơn 13 triệu USD khi trừ cho chủ đầu tư số vốn đã đầu tư vào dự án, số tiền này sẽ được đổi trừ vào tiền sử dụng đất tại địa điểm trên đường Phạm Hùng mà Công ty SIH Investment Limited phải nộp theo quy định.

Có thể nói 13 triệu USD khấu trừ là số tiền không nhỏ, tuy nhiên, có thể thấy rằng, sẽ là chưa thấm vào đâu so với mức người dân Hà Nội phải chi trả khi mất những khoảng không gian xanh hay công trình công cộng vì những dự án thương mại đột nhiên “nhảy cóc” vào quy hoạch.


Dù mức độ thụ hưởng cây xanh, mặt nước của người dân Hà Nội nghèo nàn đến mức đáng ngạc nhiên, chưa tới 2m2 cây xanh/người tại nội thành, nhưng tình trạng công viên bị xâm lấn diễn ra thường xuyên. Bản thân công viên Thống Nhất, mặc dù đã thoát được tổ hợp khách sạn 5 sao nhưng nguy cơ bị phá tan vẫn còn bởi dự án bãi đỗ xe lên đến hàng ngàn m2 và trong tương lai, có thể lại tiếp tục có những dự án thương mại bất thình lình “nhảy” vào khu đất được xem là lá phổi xanh của TP này.

Trong khi đó, ở một góc độ khác, sẽ rất đáng ngạc nhiên khi biết rằng, những khu đất vốn đã được quy hoạch để làm bãi đỗ xe lại lần lượt bị thay thế bởi những tòa cao ốc của các dự án thương mại. Bến xe Gia Thụy ở Gia Lâm nay đã thành trung tâm thương mại Savico Megamall; ô đất C3 có diện tích 3.000m2 ở khu Trung Hòa-Nhân Chính từng được quy hoạch là điểm đỗ xe giờ chuyển thành dự án khu nhà ở-dịch vụ-thương mại; 1.400m2 đất tại góc phố Hai Bà Trưng-Hàng Bài do Công ty Nhựa Hà Nội sử dụng, dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm đang được xây dựng thành tòa nhà cho thuê, văn phòng cao cấp…

Trên thực tế, lỗi quy hoạch thường được đưa ra để biện minh cho những bất cập của quá trình xây dựng TP như thiếu công viên, thiếu khu vui chơi, thiếu bãi đỗ xe…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quy hoạch đã khẳng định rằng, Hà Nội đã “lo xa” những vấn đề đó từ cách đây hàng chục năm, việc thực hiện quy hoạch không đúng mới là khâu khiến bức tranh đô thị của Hà Nội trở nên lộn xộn và xấu xí.

Có thể thấy rằng, chừng nào các công viên còn bị cắt xén, các bãi đỗ xe còn bị thay thế bởi các dự án nhà ở, các hạng mục công cộng còn bất thình lình biến mất để thay vào đó các trung tâm thương mại thì người dân Hà Nội còn chịu thiệt thòi về môi trường sống. Và chính vì vậy, cái giá phải trả là quá đắt.

Trong khi đó, vì sao quy hoạch lại bị phá vỡ, ai phải chịu trách nhiệm… dường như vẫn còn là một câu chuyện quá dài.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn đầu tư tài chính