Khảo sát các khu tập thể Nguyễn Công Trứ và Kim Liên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh, phải chủ động thực hiện ngay việc cải tạo theo hướng hài hòa 3 lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, lợi ích của người dân là được hưởng môi trường sống tốt hơn, tiện nghi hơn.
Xây nhà ở hay văn phòng?
Lý do Sở Quy hoạch-Kiến trúc chưa dám quyết mà chờ ý kiến của thành phố về dự án cải tạo khu Nguyễn Công Trứ là theo thiết kế cũ khu vực này có số dân hơn 4.000 người, song hiện đã lên tới hơn 9.000 người. Nếu cải tạo, xây mới, đồng nghĩa với việc nâng hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng, sẽ tạo ra sức ép rất lớn về dân số, chưa kể việc sắp xếp quy hoạch để đại đa số người dân đồng tình hưởng ứng là rất khó.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, phương án di dời người dân đến tái định cư ở những khu vực mới đã được tính, nhưng rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, với quỹ đất khoảng 6 ha, không thể đủ diện tích để xây trường học.
Trong khi quy định ở khu vực dân cư hơn 1 vạn dân dứt khoát phải có trường cấp 1, 2. Về phương án trung bình mỗi gia đình sẽ nhận được một căn hộ tái định cư tại chỗ khoảng 50m2, như vậy sẽ phải cần hơn 12 vạn mét vuông nhà ở. Phần diện tích dôi ra, sở đề nghị chuyển thành văn phòng cho thuê.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu nêu ý kiến, giữa các quy chuẩn chung phải linh hoạt gắn với thực tiễn. Ông Hiếu cho rằng xung quanh khu vực Nguyễn Công Trứ đã có rất nhiều trường cấp 1, 2 ở các phường Phạm Đình Hổ, Đống Mác... có thể bảo đảm nhu cầu học tập. Mục đích của dự án là cải thiện chỗ ở cho người dân không nên ràng buộc bởi các tiểu tiết. Thành phố cần có cơ chế triển khai sớm để ổn định tâm lý cho người dân.
Đồng tình với quan điểm của quận Hai Bà Trưng, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, trong quá trình thực hiện, vấn đề nào vượt khung tiêu chuẩn như tầng cao, mật độ sử dụng đất thì xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Đối với phần diện tích dôi dư, nên xây dựng căn hộ cao cấp để bán, nhằm hạn chế lượng người, bởi nếu xây dựng văn phòng thì mục tiêu hạn chế lượng người tại khu vực này cũng khó thực hiện. Mặt khác, với phương án trên, chủ đầu tư sẽ nhanh chóng thu hồi vốn và Nhà nước sẽ nhẹ bớt khoản ngân sách bù vào.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã
xuống cấp nghiêm trọng và đang
chờ được cải tạo, xây mới.
Ảnh: Huyền Linh
Cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một trong những dự án thí điểm cải tạo chung cư cũ theo tinh thần xã hội hóa. Theo đề nghị của Cty cổ phần Xây dựng số 7, chủ đầu tư dự án, mật độ xây dựng sẽ tăng lên 47%, hệ số sử dụng đất tăng lên 6,3 lần. Tại đây chủ đầu tư đã đưa ra phương án xây dựng thành hai khu vực là khu hỗn hợp thương mại và khu chung cư mới, trong đó có 26.272m2 nhà ở, 20.380m2 sàn tầng hầm làm bãi đỗ xe, 18.000m2 xây khu hỗn hợp, 2.500m2 nhà trẻ, mẫu giáo. Ngoài ra sẽ có một trục giao thông từ phố Ngô Thì Nhậm đến Trần Khát Chân, vì vậy việc giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng. Qua khảo sát, hầu hết các hộ dân sống tại tầng 1 của các khu chung cư đều phản đối các dự án cải tạo.
Theo Hà Nội Mới