Bộ Xây dựng vừa hướng dẫn giải quyết loạt tranh chấp, vướng mắc giữa chủ đầu tư và cư dân tại nhiều dự án chung ở Hà Nội, trong đó phần lớn các tranh chấp diện tích sở hữu chung - riêng trong tòa nhà, việc bàn giao và sử dụng quỹ bảo trì chung cư...
Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) xảy ra tranh chấp về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong tòa nhà. Ảnh: Đình Phong.
Bùng phát tranh chấp diện tích chung - riêng
Bộ Xây dựng vừa ban hành loạt văn bản hướng dẫn giải quyết các tranh chấp, vướng mắc giữa chủ đầu tư và cư dân tại các dự án tại Hà Nội như dự án khu đô thị Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm); chung cư Golden Westlake (quận Tây Hồ), dự án trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (quận Thanh Xuân); chung cư Green Life Tower (quận Hoàng Mai); chung cư Cienco1 (quận Thanh Xuân); khu nhà ở Skylight (quận Hai Bà Trưng); chung cư Rừng cọ Ecopark (Hưng Yên)...
Được biết, phần lớn các tranh chấp là do cả chủ dự án và người mua nhà đều không thống nhất được với nhau về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong tòa nhà, việc bàn giao và sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Do đó, nhiều Ban quản trị, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định liên quan đến vấn đề này.
Như tại dự án trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (quận Thanh Xuân), Công ty CP ACC Thăng Long - chủ đầu tư dự án và cư dân đều cho rằng tầng hầm thuộc sở hữu của mình.
Công ty CP ACC Thăng Long cho rằng diện tích là 5.946.9m², trong đó bao gồm cả phần diện tích đỗ xe 248.8m², thuộc quyền sở hữu riêng của công ty, công ty đã đóng tiền thuê đất 50 năm cho phần diện tích này. Nhưng công ty này lại chưa được công nhận quyền sở hữu với tầng hầm B1 của tòa nhà.
Trong khi đó, cư dân sinh sống trong tòa nhà lại cho rằng tầng hầm B1 dự án thuộc sở hữu chung của 300 cư dân, cần được sử dụng vào mục đích để xe cho cư dân tòa nhà.
Về việc này, Bộ Xây dựng cho rằng trường hợp Công ty CP ACC Thăng Long đã nộp tiền sử dụng đất 50 năm cho tầng hầm B1 thì phần diện tích này thuộc sở hữu riêng của công ty, tuy nhiên công ty cần liên hệ với cơ quan chức năng của TP Hà Nội để làm thủ tục công nhận quyền sở hữu.
Tương tự, dự án chung cư Green Life Tower, Ban quản trị cũng có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định sở hữu phần tường bao tòa nhà chung cư.
“Theo Điều 101, Luật nhà ở 2014 thì diện tích sử dụng căn hộ trong tòa nhà chung cư thuộc sở hữu riêng của chủ căn hộ được tính theo kích thước thông thủy bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích bancông, lô gia (nếu có), không tính diện tích phần tường bao ngôi nhà. Vì vậy, hệ thống bao che ngoài nhà bằng vách kính khung nhôm, kính, không thuộc các thiết bị khác gắn liền với nhà ở”, Bộ Xây dựng cho biết.
Đề nghị phong toả quỹ bảo trì chung cư
Tại khu đô thị Goldmark City – 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Bộ Xây dựng cho biết, mới đây, đại diện ban quản trị các tòa chung cư R1, R2, R3, R4 đã có văn bản đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư khu đô thị Goldmark City do chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, thuộc Tập đoàn TNR vì không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà theo quy định.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, giải quyết và trả lời đơn của đại diện Ban quản trị khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm) đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng cho rằng nội dung nêu trong đơn của đại diện ban quản trị các tòa nhà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hà Nội. Do vậy, bộ đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết đơn thư của cư dân theo quy định.
Trong khi đó, ban quản trị chung cư Rừng cọ Ecopark có văn bản đề nghị hướng dẫn về việc quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Theo Bộ Xây dựng, căn cứ các quy định đối với phần diện tích nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán (như tầng hầm, căn hộ, phần diện tích thương mại…) mà không phải là diện tích sử dụng chung của nhà chung cư thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định.
Về việc sử dụng quỹ bảo trì đối với hạng mục chống thấm mái, Bộ Xây dựng cho biết, nếu trong thời gian bảo hành nhà chung cư mà cần sửa chữa, khắc phục các hư hỏng về kết cấu chính của nhà ở thì việc sửa chữa, khắc phục này được thực hiện theo quy định về bảo hành nhà ở. Sau thời gian bảo hành thì việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng phần sở hữu chung nhà chung cư được thực hiện theo quy định về bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Ngoài ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội, Ban Quản trị đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư như: chung cư Golden Westlake (quận Tây Hồ), chung cư khu nhà ở Skylight (quận Hai Bà Trưng); chung cư Cienco1 (quận Thanh Xuân)…
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong