Lập quỹ nhà ở: "Bắc cầu" cho người nghèo mua được nhà

Cập nhật 16/12/2010 14:10

Trước thực tế cung nhà ở còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở như hình thức bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cơ chế huy động, quản lý và tổ chức sử dụng quỹ này như thế nào đang còn là vấn đề nhiều tranh cãi. Phóng viên có cuộc trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, xét về tương lai lâu dài cho thị trường nhà ở xã hội nếu phát triển nhà theo hướng thương mại thì người nghèo rất khó tiết kiệm để mua được nhà và họ cần có sự hỗ trợ. Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở như hình thức bảo hiểm xã hội. Theo đó, các đối tượng lao động trích nộp một phần thu nhập, khoảng 3-5% thu nhập hàng tháng để gửi vào quỹ này. Quỹ sẽ cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ vay để thuê, mua nhà ở giá thấp. Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người dân không những góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn là kênh “bắc cầu” cho người nghèo có cơ hội mua nhà ở.

* Nói như Thứ trưởng thì mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở rất hiệu quả. Vậy vì sao đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể lập được quỹ này?


Giải pháp lập quỹ tiết kiệm này đã được nhiều nước áp dụng hiệu quả. Quỹ này có cơ quan quản lý, tổ chức sử dụng. Khi người đó nghỉ hưu sẽ được rút về cộng với một ít lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. Số tiền này sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp này và đã đưa ra bàn thảo khá lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do có nhiều quan điểm khác nhau.

* Đó là những quan điểm gì, thưa Thứ trưởng?

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, hiện nay tất cả những người đi làm có thu nhập đều phải gửi vào quỹ tiết kiệm nhà ở, kể cả những người lương thấp vì mỗi tháng mỗi người chỉ phải nộp 1% của mức lương.

Tôi nghĩ con số này không đáng là bao, nếu một người đi làm với mức lương khoảng 3 triệu/tháng thì chỉ phải nộp 30 nghìn đồng vào quỹ tiết kiệm. Ước tính cả nước hiện có khoảng 9 triệu người đi làm công ăn lương, chỉ cần mỗi người đóng vào 1% thu nhập hàng tháng thì con số của quỹ là rất lớn. Chỉ có như thế thì những người chưa có nhà mới có cơ hội có nhà ở.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, những người có nhà rồi thì không đóng góp vào quỹ tiết kiệm về nhà ở. Nếu như vậy thì cơ sở để tồn tại và phát triển quỹ này là rất khó. Bởi những người chưa có nhà ở hầu hết là những người thu nhập thấp, không đủ tiền mua nhà, nay lại phải góp vào quỹ tiết kiệm nhà ở, và những người chưa có nhà góp với nhau thì sẽ rất lâu họ mới có cơ hội được mua nhà. Trong khi đó, số tiền 1% không đáng kể gì so với những người khá giả, và họ cũng chỉ đóng góp như một khoản tích lũy nhỏ.

* Có nghĩa là quỹ tiết kiệm nhà ở cần phải triển khai bắt buộc, thưa Thứ trưởng?


Nếu tự nguyện, lại chỉ có người nghèo đóng với nhau thì số tiền thu được để cho một người mua nhà sẽ rất lâu, chưa kể, ai cũng có nhu cầu nhà ở thì những người nghèo không biết chờ đến bao giờ mới tới lượt.

Vì vậy, quan điểm của tôi quỹ này phải là quỹ bắt buộc. Anh không có nhu cầu mua nhà anh vẫn phải gửi quỹ tiết kiệm, trích lương ra, bao giờ anh về hưu tôi trả anh cả gốc lẫn lãi. Còn trong thời gian anh đi làm có một cái quỹ tôi tạm vay của anh để tôi giúp cho người nghèo. Như thế mới được. Người nghèo phải bấu với người giàu chứ người nghèo bấu với nhau làm sao được. Điều này theo tôi, cần áp dụng cho tất cả những người đi làm, không kể công chức hay người làm trong các Cty nước ngoài, tư nhân... quỹ cần huy động mọi người có thu nhập trong xã hội, bất kể thành phần kinh tế nào, có nhà hay không cũng trích một phần rất nhỏ của quỹ lương vào quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.

* Được biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất mỗi người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở phải nộp 3% quỹ lương hàng tháng. Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng, con số đó quá cao so với mức thu nhập của những người làm công ăn lương?

Nộp bao nhiêu cũng đang là vấn đề tranh cãi, theo tôi được biết thì ở các nước khác người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở họ phải nộp vào quỹ 7%/ tháng.

Lúc đầu Bộ Xây dựng cũng đề xuất 3%. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng 3% là nhiều quá bởi những người như công nhân với đồng lương thấp thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy hiện nay chúng tôi đề xuất rút xuống 1%.

* Vậy hình thức hoạt động của quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?


Quỹ tiết kiệm nhà ở nếu nộp khoảng 5-10 năm thì những ai chưa có nhà sẽ được vay. Đồng thời cũng có thể cho doanh nghiệp vay để xây nhà và cho người dân vay để mua nhà.

* Như vậy thì cơ chế này có khác gì các quỹ, ngân hàng hiện nay?

Cơ chế khác hẳn bởi quỹ nãy chỉ vay chuyên dùng nhà ở. Và việc cho vay ở mức bảo toàn vốn, bảo đảm chi phí hoạt động cho bộ máy quản lỹ quỹ chứ không có lợi nhuận. Trường hợp nếu có lợi nhuận thì cũng đập vào cho việc cho người dân và DN vay xây, mua nhà.

Còn các quỹ đầu tư hiện nay thì bao giờ cũng có mục đích lợi nhuận, chia lợi nhuận 100%, chưa kể cơ chế khen thưởng, đầu tư...

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cơ chế quỹ tiết kiệm nhà ở tương tự như phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất hiện cũng đã được áp dụng phổ biến và hiệu quả ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore... với nguồn huy động rất phong phú. Ngoài huy động ở công chức nhà nước với tỷ lệ phần trăm lương bắt buộc, còn huy động ở người dân (tất nhiên không theo tỷ lệ lương), huy động bằng trái phiếu (người dân, DN khi tham gia bất kỳ một hoạt động giao dịch mua bán bất động sản nào đều phải mua trái phiếu)... Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để chọn các phương án áp dụng vào thực tiễn của VN cho phù hợp và hiệu quả.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp