Lãng phí lớn!

Cập nhật 01/09/2009 08:40

Hướng tuyến mới sẽ đi qua khu dân cư tổ 82, 89 (P.2, Q.Tân Bình) nơi người dân đã sống ổn định hơn 20 năm qua - Ảnh: P.Thanh

Tại cuộc họp báo ngày 11.8, ông Trần Quang Phượng - Ủy viên UBND TP.HCM kiêm Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) - cho rằng việc bẻ cong đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN) sẽ có lợi hơn nhiều so với quy hoạch cũ. Tuy nhiên, tìm hiểu của Thanh Niên cho thấy kết quả ngược lại.

3.000 tỉ đồng ở đâu ra?

Theo số liệu mà ông Phượng cung cấp, nếu giữ nguyên quy hoạch được Thủ tướng duyệt (xây đường 60m đoạn qua Q.Tân Bình) thì toàn dự án cần đến 11.000 tỉ đồng cho công tác giải tỏa, còn theo phương án điều chỉnh (xây đường 20m) thì chỉ cần hơn 8.000 tỉ đồng, tức tiết kiệm được 3.000 tỉ đồng. Xung quanh những con số này có nhiều điều cần làm rõ.

Theo văn bản 3041 (ngày 22.5.2007) của UBND TP.HCM, tổng kinh phí đầu tư dự án là gần 8.000 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa hơn 4.500 tỉ đồng. Như vậy, con số 8.000 tỉ đồng riêng cho công tác giải tỏa như ông Phượng nêu thật khó hiểu, và số tiền tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng cũng hoàn toàn mơ hồ.

Đi sâu phân tích con số 3.000 tỉ đồng càng thấy nhiều điểm vô lý. Thử làm một bài toán, nếu giảm chiều rộng từ 60m xuống 40m (2 đường rẽ 20m) trên đoạn đường 1,2 km qua Q.Tân Bình thì tổng diện tích phải giải tỏa giảm khoảng 24.000m2. Cứ cho rằng, toàn bộ 24.000m2 này đều phải bồi thường với giá đền bù mặt tiền đường cao nhất hiện nay là 32 triệu đồng (theo phê duyệt của UBND TP.HCM), thì tổng số tiền cũng chỉ khoảng 768 tỉ đồng mà thôi. Đó là chưa kể trên thực tế, đất tại đây chủ yếu là đất công, đất trống, nhà trong hẻm, nhà tạm... nên chi phí bồi thường hỗ trợ (nếu có) cũng rất thấp.

 

Nếu đi theo hướng tuyến cũ sẽ tận dụng được rất nhiều đất công hiện vẫn còn để trống cho quy hoạch năm 1997 - Ảnh: P.Thanh



Hay một cách tính khác, nếu điều chỉnh quy hoạch thì số hộ giải tỏa trắng sẽ giảm từ 259 hộ xuống còn 39 hộ, tức giảm được 220 hộ (số liệu ông Phượng cung cấp). Nếu nói như ông Phượng thì giảm được 220 hộ này tương đương với giảm được 3.000 tỉ đồng, tính ra mỗi hộ nhận được hơn 13 tỉ đồng tiền bồi thường, một cái giá không thực tế.

Trong khi đó, ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, nếu chấp hành quy hoạch thì việc giải tỏa sẽ thuận lợi và tiết kiệm hơn nhiều, bởi con đường 60m chủ yếu đi qua đất công và đã được chừa sẵn từ khi công bố quy hoạch vào năm 1997. Trong đó, đoạn qua phần đất của Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam và Đoàn bay 919 (Tổng công ty Hàng không VN) chưa xây dựng công trình kiên cố nào, vẫn chấp hành tốt quy hoạch cũ. Riêng đất của Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) cũng chỉ cho cán bộ công nhân viên mượn xây nhà tạm, có cam kết sẽ hoàn trả khi TP triển khai làm đường.

Một vấn đề khác, đây là dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó Công ty GS E&C ứng vốn thi công và đổi lấy 7 khu đất "vàng" của TP để thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản. Trong lúc TP lo tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp BT thì trên thực tế quy mô cũng như vị trí "đắc địa" của các khu đất được đổi cực kỳ nhiều lợi thế. Trong đó, có 5 khu đất tại Q.2 (ở các phường Thủ Thiêm, Thảo Điền, An Phú), 1 khu đất trên đường Lý Thường Kiệt (đối diện Nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11) và 1 khu đất tại P.Long Bình Q.9, với tổng diện tích hơn 1 triệu m2. Có thể khẳng định, với chừng này đất "vàng" trao cho nhà đầu tư, không cớ gì chúng ta phải nhận về một con đường không hoàn chỉnh!

Điều chỉnh quy hoạch kiểu thụt lùi

Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên từng phát biểu trên Thanh Niên rằng con đường 60m theo quy hoạch của Thủ tướng là một con đường tuyệt vời. Quả thật, theo phân tích của các chuyên gia, đường 60m để giải tỏa hành khách từ cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và các tỉnh miền Đông hoàn toàn phù hợp với phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, quy hoạch năm 1997 cũng xác định, ngoài việc lưu thông trên con đường chính rộng 60m thì hai đường phụ là Bạch Đằng, Hồng Hà hiện hữu (mỗi đường rộng 20m) sẽ là các tuyến dự phòng để giải quyết ách tắc giao thông.

Ngoài ra, Q.Tân Bình cũng đang triển khai dự án mương thoát nước Nhật Bản trị giá 96,7 tỉ đồng nhằm thoát nước cho cả khu vực sân bay. Dự án này được thiết kế đi song song bên cạnh tuyến đường 60m đã được quy hoạch, để khi làm đường sẽ kết hợp làm mương nhằm tiết giảm chi phí. Thế nhưng, với việc điều chỉnh quy hoạch thành 2 nhánh rẽ như hiện nay, TP.HCM phải bỏ kinh phí làm thêm một con đường 14m bên trên mương thoát nước. Như vậy, chỉ tính riêng một khu vực có đường kính khoảng 300m từ đường Bạch Đằng qua đường Hồng Hà mà có tới 6 con đường nhỏ với tổng chiều rộng 111m, bằng hơn 1/3 diện tích cả khu dân cư. Thậm chí, đoạn giáp ranh giữa đường mương Nhật Bản và đường 20m dự phóng qua tổ 82 và 89 có chỗ chỉ cách nhau 5 - 7m. Cách làm này khiến khu dân cư bị băm nát, gây ra tình trạng manh mún, không thể đầu tư xây dựng các công trình lớn tại khu vực vốn là bộ mặt cửa ngõ quốc tế.

Có thể thấy, từ 12 năm trước, khi giao thông còn thông thoáng, tầm nhìn quy hoạch của các cấp lãnh đạo lúc bấy giờ đã rất xa. Thế nhưng, không hiểu sao một số cơ quan chức năng TP.HCM lại điều chỉnh quy hoạch làm "bay" mất con đường chính 60m, còn đường dự phòng 20m nay lại trở thành đường chính, trong khi công viên Gia Định bị “xẻo thịt” và đổi lại bằng việc giải tỏa nhà dân để trồng cây xanh.

Vô lý dễ thấy nhất là đường TSN - BL - VĐN đoạn qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp đều làm 60m, nhưng đến cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lại "thắt cổ chai" chỉ còn 20m.

Đồng ý rằng quy hoạch là một quá trình "động", đòi hỏi có sự điều chỉnh để sát với thực tế, song không thể chấp nhận tình trạng xã hội đi lên còn quy hoạch con đường lại bị “bẻ cong" đi xuống.

 

Làm trái hàng loạt văn bản chỉ đạo

Việc điều chỉnh quy hoạch của TP.HCM đến thời điểm này vẫn chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng và các bộ liên quan, hay nói cách khác, đã làm trái các luật và văn bản chỉ đạo sau:

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 nêu rõ: Đảm bảo công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai, công sở. Nghiêm cấm tùy tiện sửa đổi quy hoạch.

- Luật Đất đai năm 2003: Nghiêm cấm sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

- Văn bản 4557 ngày 12.9.1997 (kèm bản đồ quy hoạch 1/2.000) của Thủ tướng phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi dự án.

- Quyết định 101 ngày 22.1.2007 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 yêu cầu: Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho giao thông nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch là yêu cầu cấp bách trong điều kiện đô thị hóa nhanh chóng tại TP.HCM. Trong trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, Bộ GTVT phối hợp UBND TP.HCM trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

- Nghị định 78 ngày 11.5.2007 của Thủ tướng về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT: Doanh nghiệp dự án phải trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp thiết kế kỹ thuật có thay đổi so với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên