Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) với quy mô lên tới gần 10.700 tỉ đồng, góp phần rút ngắn thời gian tới cửa khẩu trong vòng chưa tới một giờ, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng và phát triển kinh tế đối ngoại.
Đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ được xây dựng song song với quốc lộ 22. Trong ảnh: quốc lộ 22 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM hướng đi tỉnh Tây Ninh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn lớn, câu hỏi đặt ra là cơ chế nào để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ; cũng như cần có tầm nhìn quy hoạch để phát huy hiệu quả của dự án này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN THANH NGỌC - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết:
- Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được nhen nhóm từ nhiều năm nay, phù hợp với quy hoạch đường cao tốc Việt Nam. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang phối hợp với TP.HCM, Tây Ninh để nghiên cứu cụ thể dự án.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các địa phương có đường đi qua, mà còn có ý nghĩa rất lớn kết nối vùng.
Cụ thể: theo nghiên cứu ban đầu thì cao tốc sẽ có điểm đầu là nút giao với đường vành đai 3 TP.HCM, đi song song với quốc lộ 22, kết nối với đường vành đai 4, đường Hồ Chí Minh và có điểm cuối tại Mộc Bài (Tây Ninh).
Như vậy, khi có cao tốc thì từ TP.HCM tới cửa khẩu Mộc Bài chỉ mất khoảng 1 giờ, có ý nghĩa rất quan trọng để giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với đường vành đai 3, 4 và đường Hồ Chí Minh nên phương tiện từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên sẽ dễ dàng tới cửa khẩu, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với nước bạn và cả khu vực ASEAN.
* Câu chuyện phát triển hạ tầng khó nhất là huy động nguồn vốn, cơ chế nào để tuyến cao tốc này sớm trở thành hiện thực?
- Đối với Tây Ninh, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là một cơ hội chiến lược với sự phát triển của tỉnh. Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường này nên chủ động chuẩn bị và ưu tiên số 1 cho tuyến cao tốc này.
Hiện nay kết nối TP.HCM - Tây Ninh chỉ có đường độc đạo là quốc lộ 22. Tuyến đường này hiện nay đã quá tải nên việc xây dựng một tuyến cao tốc mới là hết sức cần thiết.
Theo tính toán sơ bộ thì chỉ riêng giai đoạn 1 của dự án cao tốc sẽ tốn chi phí gần 10.700 tỉ đồng, trong đó chi phí về giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 tỉ đồng.
Khi nghiên cứu dự án, có nhiều phương án tài chính được đưa ra để xem xét, trong đó có tính tới cả nguồn vốn vay ODA. Sau nhiều cuộc họp giữa UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ GTVT, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng triển khai dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trong đó huy động nguồn vốn nhà đầu tư để xây lắp, còn nguồn vốn giải phóng mặt bằng qua hai địa phận TP.HCM, Tây Ninh thì thuộc về địa phương nào sẽ do ngân sách địa phương đó chịu trách nhiệm.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí giải phóng mặt bằng qua địa phận Tây Ninh là hơn 2.000 tỉ đồng. Đây là một số tiền lớn đối với ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cân đối các nguồn để chủ động sẵn, khi dự án có quyết định chính thức thì tỉnh sẽ có vốn sẵn sàng để thực hiện.
Chúng tôi kỳ vọng tới năm 2020 sẽ xong thủ tục pháp lý, đầu năm 2021 có thể khởi công tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
* Để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cần tính toán các giải pháp đồng bộ ngay từ bây giờ?
- TP.HCM là "đầu tàu" của nền kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc có tuyến cao tốc kết nối Tây Ninh với TP.HCM là một cơ hội lớn để tỉnh phát triển toàn diện.
Hiện nay Tây Ninh có khu du lịch núi Bà Đen ở thành phố Tây Ninh, mỗi năm đón tới 2,5 triệu lượt khách, trong đó có rất nhiều khách từ TP.HCM và các vùng lân cận.
Cùng với tuyến cao tốc, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh tới năm 2035 với quy mô hơn 2.900ha, gồm nhiều phân khu chức năng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi quy hoạch chi tiết và định hướng thu hút đầu tư.
Theo đồ án quy hoạch, tới năm 2025 khu du lịch núi Bà Đen sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách và tăng lên 8 triệu lượt khách vào năm 2035.
Có cao tốc là yếu tố để nhiều nhà đầu tư về tỉnh, đồng thời phát triển các dự án lớn tại tỉnh, đặc biệt là du lịch để đón lượng khách nhiều hơn nữa sẽ là điểm cộng để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn làm cao tốc.
* Các dự án hạ tầng kết nối với cao tốc sẽ được tính toán như thế nào, thưa ông?
- Dự kiến khi tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã rõ ràng thủ tục pháp lý, Tây Ninh sẽ kiến nghị Chính phủ cho nghiên cứu huy động nguồn vốn xã hội hóa để làm tiếp tuyến cao tốc nối từ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài lên cửa khẩu Xa Mát.
Tuyến cao tốc mới sẽ đi qua thành phố Tây Ninh và khu du lịch núi Bà Đen. Khi đó, hiệu quả của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ được "nối dài", đồng thời thúc đẩy phát triển toàn diện cho tỉnh Tây Ninh.
Trước mắt, khi chưa có cao tốc thì chúng tôi đã triển khai các tuyến đường nội tỉnh, đường kết nối với khu du lịch với phương châm "hạ tầng đi trước" nhằm tạo thuận lợi cho du khách, nhà đầu tư và người dân.
Hiện nay một số nhà đầu tư lớn quan tâm và đã có kế hoạch đầu tư vào Tây Ninh. Đây là một cơ sở để thúc đẩy và phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
|
Xem xét tạo quỹ đất để tạo nguồn thu làm đường
Để thúc đẩy dự án, mới đây UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh đã họp bàn và thống nhất đề xuất Thủ tướng giao UBND TP.HCM là cơ quan quản lý nhà nước đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Nhằm tạo thêm nguồn vốn phát triển dự án, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng tại các nút giao đường cao tốc với đường vành đai 3, vành đai 4 và một số điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ...
Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị gần với khu vực các nút giao để khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu cho các địa phương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết hiện rất mong chờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương thức đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác), hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) cũng như giao cho TP.HCM làm đại diện cho hai địa phương thực hiện dự án.
Nếu được giao thẩm quyền trên, TP sẽ chủ động trong kế hoạch triển khai các bước tiếp theo như lập dự án tiền khả thi, duyệt dự án đầu tư, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai công tác đền bù giải tỏa...
Ngân sách TP.HCM và Tây Ninh không chỉ chi cho công tác đền bù giải tỏa mà sẽ chi thêm một phần cho vốn xây lắp. Như vậy, nhà đầu tư bỏ vốn ra đầu tư không quá nhiều sẽ thuận lợi trong việc hoàn vốn sớm.
Do đó, bài toán BOT cho dự án này là rất khả quan. Ngoài ra, dự án này còn có thuận lợi là đi qua khu vực có dân cư thưa thớt nên kinh phí đền bù giải tỏa không lớn.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ