Trong khi chờ thiết kế đô thị (TKĐT) của 3 tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội mở rộng, hiện các quận, huyện ở TPHCM thực hiện việc cấp phép xây dựng mỗi nơi một kiểu. Bên cạnh đó, kiến trúc trên các tuyến đường rất lam nham với nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
Đại lộ Đông -Tây - công trình giao thông trọng điểm tại TPHCM. Ảnh: Đức Trí |
Nhà khu “quy hoạch treo”: Xây 1 trệt, 1 lầu, 1 lửng
Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở QH-KT TPHCM cho biết, sau khi hình thành đại lộ Đông Tây, cảnh quan, kiến trúc dọc 2 bên tuyến đường này rất bề bộn. Mỗi nơi hành xử một kiểu, có quận ngưng cấp phép xây dựng (CPXD), quận băn khoăn về diện tích CPXD, quận CPXD tạm, quận lại CPXD chính thức… Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân mà còn tạo ra cảnh quan lam nham trên tuyến đường huyết mạch này. “Nếu không tính trước, 2 tuyến đường trọng điểm còn lại sẽ đi vào “vết xe đổ” của đại lộ Đông Tây như hiện nay” - đại diện Trung tâm Thông tin quy hoạch cho biết.
Dự kiến đến cuối năm 2010, Sở QH-KT mới có TKĐT của 3 tuyến đường trên. Do vậy, từ nay cho đến khi có TKĐT, cần có một quy định về quản lý xây dựng dọc 3 tuyến đường trên để hạn chế nhà siêu mỏng, tạo cảnh quan đô thị cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân khi có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà.
Nhằm hạn chế nhà siêu mỏng, Sở QH-KT cũng kiến nghị không được CPXD ở những khu đất sau giải tỏa có diện tích dưới 15m² và các quận, huyện cần vận động đền bù giải tỏa luôn phần diện tích này. Những khu đất có diện tích 15 - 36m2 nhưng không đủ điều kiện CPXD, phải hợp khối hoặc vận động đền bù luôn nếu không đủ điều kiện hợp khối. Dĩ nhiên sẽ CPXD những trường hợp có diện tích đất 15 - 36m² đủ điều kiện. |
Hiện trong dự thảo quy định đang được góp ý này, Sở QH-KT đề xuất, các công trình thuộc các “dự án treo” được xây dựng tối đa 1 trệt, 1 lầu, 1 lửng và không được xây dựng tầng hầm; không cấp phép kinh doanh các ngành dịch vụ thương mại có quy mô đông người như văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại... đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 150m²; không cấp phép kinh doanh các cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ có thể gây ô nhiễm, mất trật tự mỹ quan đô thị như quán cà phê, nhà hàng ăn uống nhỏ lẻ…
Đối với khu dân cư hiện hữu, CPXD theo quy định chung về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu (QĐ 135 và QĐ 45 của UBNDTP). Theo đó, công trình được xây dựng tối đa 8 tầng. Nhà liên kế tại mặt tiền đường phải có khoảng lùi 3,5m so với ranh lộ giới... Trong phạm vi khoảng lùi tại tầng trệt tính từ cao độ vỉa hè đến cao độ 3,5m so với vỉa hè, không bố trí bất kỳ kiến trúc nào kể cả ram dốc lên, xuống các tầng. Dự thảo cũng đề xuất không cho phép xây tầng hầm đối với nhà có chiều rộng nhỏ hơn 8m; không được xây dựng với kết cấu tạm bợ như tre nứa lá, nhà khung sắt.
Để tránh mỗi nhà xây một kiểu, thòi ra, thụt vào, dự thảo cũng nêu: Ban công chỉ xây dựng từ cao độ 7m trở lên, chiều rộng ban công phải bằng chiều rộng khu đất xây dựng tại vị trí lộ giới. Ngoài ra, mặt tiền của nhà ở phải có màu sắc hài hòa, khuyến khích 2 nhà liền kề xây dựng cùng màu sơn, không được sử dụng hai màu sơn cho một bức tường, hạn chế công trình có phong cách và chi tiết kiến trúc cổ điển; không cho phép tách thửa nếu diện tích đất nhỏ hơn 60m², khuyến khích nhập thửa để thực hiện các dự án lớn; chỉ cấp phép quảng cáo trên khung kính ở độ cao 3,6 - 7m trên mặt tiền công trình. Không cấp phép kinh doanh các ngành dịch vụ thương mại quy mô đông người như văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại trường học cho các công trình có diện tích đất nhỏ hơn 150m². Không cấp phép mở nhà hàng, quán cà phê, hàng ăn uống nhỏ lẻ...
Còn nhiều băn khoăn
Từ khi có văn bản của Sở QH-KT đề nghị chờ TKĐT tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, quận Bình Thạnh chỉ CPXD tạm cho các hộ dân trên tuyến đường này. Trong khi đó quận Gò Vấp đã thực hiện CPXD đối với khu đất 15 - 36m² được cấp phép 2 tầng (một trệt, một lầu đúc)… |
Một số quận - huyện cho rằng, việc hạn chế tách thửa được quy định trong dự thảo chưa hợp lý vì không thể hạn chế quyền cũng như nhu cầu muốn chia tách nhà, đất để bán của người dân. Thậm chí, quy định này có thể “chỏi” với quy định tách thửa của UBNDTP (mỗi quận - huyện được tách thửa theo từng diện tích khác nhau - PV). “Dù biết việc TKĐT có cách quản lý riêng, định hướng lâu dài nhưng nếu cầu toàn quá sẽ khó thực hiện vì người dân không thuận. Nên quy định mềm mỏng hơn về màu sắc, vật liệu xây dựng… để tạo sự đồng tình trong dân” - đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình góp ý.
Vấn đề nhiều quận - huyện băn khoăn là quy định về khoảng lùi 3,5m so với lộ giới, khi cho rằng khoảng lùi đó khá lớn, nhất là đối với những con đường có lộ giới đến 60m, nhà dân chỉ còn khoảng 5 - 6m lại lùi thêm 3,5m nữa, e rằng không khả thi. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 4 cho biết, quận sẽ không thực hiện được quy định này vì đa số nhà trên tuyến đại lộ Đông Tây thuộc địa bàn quận có diện tích lớn nhất 40m² (4mx10m). Bên cạnh đó, không phải nhà nào cũng kinh doanh nên quy định khoảng lùi làm hành lang thương mại như trên khó thuyết phục dân.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng CPXD Sở Xây dựng, đây chỉ là quy định tạm thời để quản lý và giải quyết việc xây dựng của dân, trong khi chờ TKĐT, chỉ nên quy định khoảng lùi đối với những công trình, khu đất có diện tích lớn để làm thương mại, dịch vụ tại các con đường lớn. Đối với những con đường nhỏ, hẻm bên trong, vẫn cứ áp dụng theo quy định chung về kiến trúc nhà liên kế của UBNDTP. Ông Tuấn lưu ý thêm, trong khu quy hoạch chỉ được CPXD tạm (phải tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch - PV), còn quy mô xây dựng, tùy vào tình hình thực tế vì Sở Xây dựng cũng đang kiến nghị cho CPXD tạm các công trình trong khu quy hoạch có quy mô 5 tầng. Miễn là người dân cam kết tháo dỡ và không đòi bồi thường phần xây dựng tạm.
Phó Giám đốc Sở QH-KT Hồ Quang Toàn cho biết, sở sẽ ghi nhận đóng góp của UBND các quận, huyện để hoàn chỉnh dự thảo quy định này, trình UBNDTP quyết định. Dù vậy, sở vẫn khuyến khích các quận - huyện thực hiện TKĐT từng khu phố phù hợp với đặc điểm địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng