Không được xây nhà trên đất tái định cư?

Cập nhật 11/06/2013 09:38

Tình trạng người dân sống trên đất được chỉ định nhưng vẫn phải thấp thỏm vì chưa là "chính chủ" cứ thế âm ỉ trong suốt những năm qua.

Dù đã được chỉ định một thửa đất tại khu tái định cư (TĐC) cầu Thanh Phước, thuộc thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế, song khi gia đình ông Nguyễn Đại Mộng tiến hành xây dựng nhà trên thửa đất của mình lại bị đình chỉ vì chưa có sổ đỏ...?

Năm 2001, cầu Thanh Phước được xây dựng nối liền hai xã Hương Phong và Hương Vinh. Đây là công trình trọng điểm, đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng cầu, người dân có diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch đã hết sức ủng hộ và sẵn sàng chuyển đến nơi TĐC. Ngày 22-11-2001, một đoàn công tác của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế và ông Nguyễn Văn Toàn Chủ tịch UBND xã Hương Vinh thời kỳ đó, làm đại diện đo đạc các diện tích cần giải tỏa để xây dựng cầu Thanh Phước.

Trong biên bản giao ước có 12 hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng, trong đó hộ bị ảnh hưởng lớn nhất là 96m2, hộ nhỏ nhất là 15m2. Biên bản đã ghi rõ ý kiến của các hộ gia đình: "Số diện tích của các hộ bị giải tỏa xin UBND xã, huyện được đền bù đúng số lượng đất bị chiếm dụng như đã đo đạc trong văn bản. Địa điểm đền bù đất tại khu quy hoạch đất ở thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà". Đại diện BCH Quân sự tỉnh này cũng như UBND xã Hương Vinh đã phê duyệt: "UBND xã Hương Vinh cùng với chủ đầu tư lập thủ tục để đền bù cho 12 hộ gia đình tại thôn Thủy Phú".


Ông Mộng không biết đến khi nào mới được xây nhà tiếp trên thửa đất của mình?

Từ đó đến nay, đã 12 năm trôi qua, các hộ gia đình này vẫn chưa có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến quyền sử dụng đất, có chăng chỉ có 3 hộ chuyển nhượng đất đã xây dựng xong nhà cửa, và móng nhà. Cách đây một năm, một hộ xây dựng móng nhà, đổ nền nhưng đành phải chờ vì chưa được xây dựng tiếp. Mới đây, gia đình ông Nguyễn Đại Mộng cũng tiến hành đào móng chuẩn bị xây dựng thì bị chính quyền địa phương đình chỉ vì "chưa có sổ đỏ". Tình trạng người dân sống trên đất được chỉ định nhưng vẫn phải thấp thỏm vì chưa là "chính chủ" cứ thế âm ỉ trong suốt những năm qua.

Bà Phạm Thị Sáu, vợ ông Mộng trăn trở: "Khi nghe chủ trương xây dựng cầu để đảm bảo lưu thông, ai cũng vui mừng vì đời sống nhân dân sẽ được phát triển, đảm bảo các yếu tố dân sinh nên chúng tôi không ngần ngại hiến đất cũng như đổi đất để công trình được hoàn thiện sớm. Nhưng hơn 12 năm qua, chúng tôi mỏi mòn trông chờ vào lời hứa không biết khi nào mới thành hiện thực. 12 năm ấy, con cái lớn khôn, lập gia đình cần một mái nhà riêng để tạo lập cuộc sống, nhiều gia đình có nhu cầu xây dựng nhà ở nhưng không thể xây dựng được".

Nói về vấn đề giải phóng mặt bằng cũng như đền bù đất cho dân trên địa bàn xã Hương Vinh, ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Không chỉ có các hộ đổi đất làm cầu Thanh Phước mà ngay 4 hộ gia đình ở thôn Triều Sơn Đông, khi xây dựng trường tiểu học số 3 Hương Vinh, do nhu cầu mặt bằng phải đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, 4 hộ gia đình này là ông Phan Bưng, Hoàng Ngọc Lộc, Hoàng Ngọc Châm và bà Hoàng Thị Em đã sẵn sàng đổi đất để mở rộng diện tích nhà trường, nhận đất ở nơi mới. Nhưng từ năm 2001 đến nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ vẫn chưa có, gây khó khăn cho những người tự nguyện nhường đất để phục vụ công trình phúc lợi xã hội. Đây là vấn đề đặt ra cho việc giải phóng mặt bằng, đổi đất để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh sau này. Mong rằng những vướng mắc về việc đổi đất ở xã Hương Vinh sẽ sớm được giải quyết. Song do thẩm quyền của xã hạn chế nên việc giải quyết quyền lợi cho dân là do cấp trên thực hiện".

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật Xã Hội