Không để tồn đọng hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" nhà tái định cư

Cập nhật 23/08/2007 17:00

Ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị mới vừa khẳng định như vậy. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác này là nằm ở các trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà và các hộ chưa làm xong thủ tục ký hợp đồng.

Thủ tục đã gọn

Đến hết năm 2006, tổng số căn hộ tái định cư đã bàn giao cho thành phố quản lý ước khoảng 6.407 căn, trong đó, 5.278 căn đã có quyết định giao nhà của thành phố tới hộ gia đình tái định cư. Đến nay, Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Sở TN - MT & NĐ) đã giao được 5.120 căn. Trong số này chỉ có 597 căn trả chậm, còn lại đã được thanh toán tiền một lần hoặc giao dưới hình thức cho thuê.

Theo Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị mới (thuộc Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) - đơn vị quản lý các khu Nam Trung Yên, 5,03ha Dịch Vọng - Cầu Giấy, 7,2ha Vĩnh Phúc, Đền Lừ... đến thời điểm này, đã có hơn 4.000 căn hộ ký hợp đồng, vẫn còn tới hơn 1.400 căn hộ đã bàn giao cho dân, nhưng chưa ký hợp đồng (trong đó có cả trường hợp trả chậm).

Về việc cấp "sổ đỏ" cho nhà tái định cư, ông Hữu cho biết, Xí nghiệp thường xuyên thông báo cho các hộ dân biết và đã chuyển khoảng 2.000 hồ sơ cho các quận, huyện ký cấp Giấy chứng nhận, trong đó Thanh Xuân 428 bộ, Cầu Giấy 679 bộ, Hoàng Mai 559 bộ. Riêng khu 7,2ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) do Xí nghiệp mới tiếp nhận, nên số hồ sơ chuyển cho quận Ba Đình rất ít. Đến nay, đã có khoảng 1.000 hộ đã nhận quyết định cấp Giấy chứng nhận.

"Chúng tôi cố gắng không để tồn đọng hồ sơ, bởi làm xong là chuyển các quận, huyện luôn. Có những khu chúng tôi dán thông báo dưới tầng 1, đưa đến từng tổ dân phố. Cử cán bộ trực tiếp xuống thu gom hồ sơ luôn tại đó."- ông Hữu nói.

Về kê khai đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hữu cũng cho biết, nếu trường hợp trong quyết định bán nhà của UBND TP có tên cả vợ, chồng hoặc chỉ có tên 1 người (vợ hoặc chồng) thì khai đơn chỉ khai tên 1 người.
 
Trường hợp có tên từ 2 người trở lên (không phải là vợ chồng) thì khi khai đơn phải khai đủ người có trong quyết định bán nhà. Nếu người có quyền được khai trong đơn theo quy định không muốn đứng tên trong Giấy chứng nhận sở hữu thì phải có đơn xin khước từ quyền sở hữu và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi quản lý hộ khẩu.

Trong 10 ngày kể từ ngày hộ gia đình, cá nhân tái định cư đã nộp đủ tiền mua nhà hoặc tiền sử dụng đất, Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Ban Quản lý dự án các quận, huyện và các tổ chức được UBND TP giao nhiệm vụ bán nhà ở hoặc giao đất xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân để tái định cư phải có trách nhiệm hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận...

Thời gian giải quyết hồ sơ là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không phải qua Hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận phường, xã, thị trấn). Đối với trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất, tiền mua nhà phải ghi số tiền nợ trong Giấy chứng nhận.

Khó khăn còn đó

Mặc dù các thủ tục, chính sách liên quan đến công tác cấp "sổ đỏ" nhà tái định cư đã hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều hộ dân kêu ca, phàn nàn về việc chậm trễ trong cấp "sổ đỏ".

Đại diện Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội giải thích, sự việc ách tắc kéo dài đến tháng 10/2006, Sở TN - MT & NĐ Hà Nội mới thống nhất được với các quận, huyện về việc để Cty hoàn tất hồ sơ. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới sự chậm trễ này là do các Ban quản lý dự án đã bàn giao nhà cho dân nhưng lại không giao quyết định bán nhà của thành phố nên công ty không thể làm hồ sơ cấp giấy sở hữu nhà.

Theo ông Hữu, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc cấp "sổ đỏ" cho các hộ tái định cư là hộ đã mua bán, chuyển nhượng. Nhiều trường hợp vừa nhận nhà xong đã bán lấy tiền chênh lệch. "Trong khi thủ tục mua bán giữa chủ củ và mới chưa hoàn tất, thì chủ mới yêu cầu làm "sổ đỏ" ngay. Như vậy thì làm sao chúng tôi làm được. Tồn đọng nhiều nhất lại rơi vào trường hợp này"- ông Hữu nói.

Để giải quyết một phần khó khăn này và giải quyết những bức xúc cho quỹ nhà tái định cư, Sở TN - MT & NĐ đã đề nghị UBND TP cho phép chi trả tiền để người dân bị thu hồi đất có thể mua nhà theo ý muốn. Sau khi thực hiện thí điểm chính sách này tại dự án đường đường Ô Đống Mác- đê Nguyễn Khoái, sẽ tiếp tục thực hiện tiếp tại dự án khác.
 
Đây là phương án khả thi nhất để nhằm ngăn chặn tình trạng "chảy" quỹ nhà tái định cư; "giải toả" áp lực về vốn xây dựng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn đồng thời giải quyết cả những vấn đề "hậu" cấp nhà tái định cư.

Theo Nguyên Đào - Kinh Tế & Đô Thị