Tại TP.HCM, giá đất trên thị trường lên đến cả tỷ đồng trong khi giá trên bảng giá đất cao nhất chỉ 300-350 triệu đồng/m2. Điều này khiến phát sinh nhiều khiếu kiện về đất đai.
Nhiều khiếu kiện đất đai xuất phát từ những bất cập của bảng giá đất
Tại hội thảo Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM mới đây, Phó Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính cho biết, bảng giá đất đang được Bộ xem xét nâng lên. Nhưng khi đó, mức thuế mà người dân và doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng lên. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ xem xét lại tỷ lệ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS Đặng Hùng Võ cũng cho hay, so với giá thị trường, giá do nhà nước ban hành hiện chỉ bằng 30-40%. Ông nói: "Nếu không nâng giá đất lên ngang thị trường thì mọi thứ đảo lộn hết. Điều này chúng ta đã thấy hậu quả rồi, đó là ngân sách thất thoát, nhà đầu tư thì được lợi một cách vô lý".
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng cần phải sớm hoàn chỉnh hệ thống thu ngân sách từ đất. Tại TP.HCM, dù giá đất vào loại cao nhất nước nhưng số tiền thu từ đất chưa tới 5% ngân sách.
“Việc ban hành bảng giá đất phải ít nhất bằng 80% thị trường như theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, không thể để thấp hơn. Trong trường hợp người dân phải nộp tiền cao khi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền thì giảm tỉ suất thấp lại, hoặc công nhận quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất phải nộp tiền theo bảng giá cao thì nộp tiền một nửa. Những điều chỉnh này là do Nhà nước quy định. Còn không, vẫn tiếp tục một hệ thống tài chính đất đai như hiện nay là “giả vờ”, “không thật”, đẻ ra nhiều hệ lụy” – GS Võ cho biết.
Về những bất cập trong việc quản lý đất đai, ông Nguyễn Văn Xa - Nguyên Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, sự bất cập từ giá đất, việc thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đã khiến nguồn thu cho nhà nước bị sụt giảm và khiếu kiện kéo dài.
Ông Xa đề xuất xây dựng Bộ Luật Đất đai mới với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, thống nhất và nên giao cho cơ quan lập pháp thay vì giao bên hành pháp.
Bên cạnh đó, phân loại đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 bị chia nhỏ tùy mục đích sử dụng như đất ở có đất ở đô thị, đất ở nông thôn khiến người dân, chính quyền địa phương bị rối khi giải quyết các thủ tục.
"Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung sắp tới chỉ nên chia thành 2 loại là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đất phi nông nghiệp phân thành 2 loại là đất đô thị và đất dân cư để người dân dễ sử dụng, nhà nước dễ quản lý" - ông Nguyễn Văn Xa đề xuất.
Đánh giá về việc thực hiện Luật Đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, sau 6 năm áp dụng, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, sự thiếu nhất quán trong luật này và giữa luật này với các luật liên quan.
Theo ông Thắng, trong quản lý đất đai đô thị, tài chính đất đai là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Vì giá đất quá cao nên một quyết định hành chính có thể mang về hoặc làm mất đi vài nghìn tỷ cho ngân sách.
Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã họp và nêu quan điểm hằng năm điều chỉnh tăng giá đất 5-7% vì thực tế giá thị trường biến động rất nhanh và rất lớn so với các địa phương khác. Khi điều chỉnh tăng sẽ tạo một mặt bằng mới, chính sách bồi thường khác, thị trường sẽ khác và thuế cũng khác.
"Lúc đó, việc áp dụng bồi thường để định hướng thị trường phát triển ổn định nhưng thuế có thể điều chỉnh, nộp 30% hoặc 50% là do nhà nước quyết định, tạo điều kiện cho người dân an tâm" - ông Hoan khẳng định.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN