Trận lụt lịch sử diễn ra trên diện rộng địa bàn Hà Nội những ngày cuối tháng mười, đầu tháng mười một là lời cảnh báo cho sự phát triển quá độ, thiếu quản lý trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước của thủ đô.
Người dân vô cùng sửng sốt khi tai họa ập xuống mới biết mình đang sống trên một hạ tầng mà khả năng thoát nước chỉ bằng 1/3 đợt mưa lịch sử gần 600mm này (đó là con số trên văn bản, còn theo như trả lời báo chí của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: khả năng thoát nước chỉ bằng 1/8 so với đợt mưa vừa rồi). Cả thủ đô cũng chỉ có một trạm bơm công suất 4 triệu m3/ngày đêm “chọi” lại với 20 triệu m3 nước mà “ông trời” đổ về (lúc này khả năng tự tiêu của các sông hầu như không còn).
Nhìn lại những điểm ngập úng lớn nhất vừa qua chợt giật mình: toàn khu mới. Những Trung Hòa, Mỹ Đình, Hoàng Mai... bị ngập sâu hơn nhiều so với những khu đô thị cũ. Nguyên nhân trước hết là do ao hồ, sông mương thoát nước tự nhiên đã bị lấp bớt trong khi đường sá bị bêtông hóa phần nhiều (đến như sông cũng thành đường). Thứ hai là hệ thống thoát nước thiếu quy hoạch, không khớp nối giữa khu mới phát triển và khu phố cũ.
Các khu đô thị mới được xây lên mà không tính đến tình huống khi mưa lớn nước chảy về đâu, bất chấp độ cao và mật độ. Toàn thành phố không có một cốt nền chung, khấp khểnh dẫn đến nhiều khu vực nước chảy ngược, không tiêu thoát được. Đặc biệt, nếu quan sát kỹ những khu vực như Nguyễn Chí Thanh, Nguyên Hồng, Pháp Vân, Mỹ Đình, Mễ Trì... sẽ thấy các khu vực này còn lưu cữu nước ngập khoảng vài ba ngày so với các khu vực khác.
Có thể nói nếu không xác định ngay bây giờ cao độ xây dựng của các khu đô thị khớp nối với nhau, xác định hướng thoát nước của TP mở rộng thì trong tương lai chúng ta sẽ không thể sửa chữa được. Nếu như thế sẽ có những khu đô thị mới phải tôn cao hàng mét hoặc nhiều hơn để đảm bảo cốt xây dựng TP, đảm bảo hướng thoát nước mà quy hoạch sẽ phải định ra. Người dân bị đảo lộn cuộc sống chỉ với một đợt mưa, và điều này còn có thể xảy ra ở nhiều đô thị khác.
Tấm áo thủ đô hôm nay càng như hiện rõ hình hài sau mưa, lụt. Người ta vốn đã ví Hà Nội như mang trên mình “chiếc áo chật”. Và những ngày qua “chiếc áo” đã thật sự bục vỡ. Nhìn thấy lâu rồi đấy nhưng sao chẳng ai làm? Quy hoạch chỉ quan tâm phần nổi nhiều hơn phần ngầm nên chỉ qua một đợt mưa lớn, nhiều hầm ngầm đã thành những túi nước chôn theo bao tài sản của người dân trị giá hàng trăm tỉ đồng.
Những thiệt hại vừa qua là một bài học nhãn tiền trong quản lý và phát triển đô thị không chỉ của riêng Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO