Hướng tới một đô thị đáng sống

Cập nhật 19/09/2014 14:04

“Chúng ta có quyền tự hào về chặng đường phát triển đô thị của HN có bản sắc và giá trị lịch sử. Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại là mô hình mà đô thị nào cũng hướng tới, nhưng mục tiêu của chúng ta là xây dựng thủ đô HN xanh - văn hiến. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, mà còn gánh vác sứ mệnh lịch sử, là một trong những đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, một đô thị đáng sống trong khu vực…”. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phát biểu trong hội thảo “Đô thị Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển” tổ chức hôm qua (18.9).


Đối mặt trước nhiều sức ép

Hội thảo do Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng HN tổ chức. Nhìn về chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển đô thị của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Từ sau ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.1954 đến nay, HN của chúng ta đã phát triển không ngừng, cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội. HN ngày nay không chỉ là thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế, mà còn là một đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại. Nhiều khu đô thị mới được hình thành, nhiều trung tâm thương mại, các công trình văn hóa lớn và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại đã được cải tạo và xây dựng mới theo quy hoạch”.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ ra những thách thức. Hà Nội đã và đang phải đối mặt trước sức ép về sự gia tăng dân cư cơ học, giải quyết lao động việc làm, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường sống và xâm hại di sản văn hóa, cảnh quan đô thị… Trong khi nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn và khan hiếm, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế. Những bất cập và tồn tại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị như: Bảo tồn và phát triển, bản sắc và tiên tiến, kinh tế xã hội và đô thị, luật pháp cơ chế chính sách và thực tiễn, dân chủ và kỷ cương... đang là những vấn đề nổi lên, thậm chí là thách thức không nhỏ cần phải nỗ lực vượt qua.

Cần thêm nhiều Đường Lâm, Cự Đà, Triều Khúc

Đóng góp ý kiến về công tác gìn giữ những đặc sắc đô thị Hà Nội, KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội - chia sẻ: “Trong hối hả của đô thị hóa, nông thôn - nơi mà nhiều năm trước chúng ta vẫn còn nghĩ là lá phổi của đô thị - giờ, bờ tre đã hết, ao đầm chẳng còn, nhà cao dần lên, đất trống khan hiếm, chưa dừng lại theo một mẫu hình nào ổn định. Có nhiều làng, tới đây sẽ khung lại ở cả 4 phía bằng 4 con đường khu vực to rộng, không đổi thay cũng chẳng xong. Thật đáng mơ ước, nếu chúng ta có thể giữ lại đâu đó trên TP những không gian nông thôn ít bị biến động, có thêm những cải thiện điều kiện hạ tầng, vệ sinh dịch vụ.... Cần phải có thêm nhiều những Đường Lâm, Cự Đà, Triều Khúc và cả những làng nghề như: Đa Sỹ, Kiêu Kỵ, Bát Tràng...”.

KTS Bùi Xuân Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, để tạo nên cả tổng thể đô thị thống nhất, đòi hỏi mỗi công trình cần phải kết nối, hài hòa với khu vực và cả TP. Bộ mặt kiến trúc đô thị vẫn còn tồn tại nhiều hình ảnh chưa tốt. Đó là nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, đặc biệt là tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo... Công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình... còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội. Nhiều công trình hiện diện nhưng chưa có một khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Theo phân tích của KTS Bùi Xuân Tùng, có nhiều nguyên nhân cả về kinh tế, đầu tư nóng vội không theo quy hoạch. Nhưng nguyên nhân chính do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, văn bản pháp lý chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa đầy đủ, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình… nên thiếu công cụ để quản lý. Thêm vào đó, ý thức xây dựng đô thị văn minh của một số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa. Vì vậy, cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ kịp thời và thực hiện nhanh chóng nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc của thủ đô thời gian tới.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội: Quy hoạch đã định hướng giảm dân số, nhưng thực tế không giảm

Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, tăng trưởng cao về kinh tế, chênh lệch giữa mức sống đô thị với vùng xung quanh, nhất là ngoại thành dẫn đến dịch cư vào nội đô cũng tăng, gây sức ép làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Quy hoạch chung HN được duyệt năm 1998 đã định hướng giảm dân số từ 960.000 người xuống còn 800.000 người, nhưng thực tế không giảm mà còn tăng đến 1.200.000 người (năm 2009). Luật Thủ đô (hiệu lực tháng 7.2013) quy định cần quản lý dân cư với quy mô, mật độ và cơ cấu theo quy hoạch chung với các điều kiện đặc thù. HĐND TP cũng đã ban hành một số nghị quyết để cụ thể hóa, song cần sự quyết tâm trong tổ chức, thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Không để sức ép tiến độ làm ảnh hưởng đến chất lượng của các đồ án

Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương trong vùng để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị. Trong đó, sau khi được phê duyệt quy hoạch chung, Hà Nội đang triển khai 35 quy hoạch phân khu và 5 đô thị vệ tinh... theo quy định của Chính phủ.

“Quy hoạch chung là định hướng cho toàn TP, còn quy hoạch phân khu phải cụ thể hóa ra, phải có tính sáng tạo. Bộ Xây dựng cũng đã có những đề xuất với Thủ tướng về một số phân khu đặc biệt như hàng chục khu vực hồ; khu phố cổ… để đảm bảo nhưng phải phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt Nam hiện đại. Không để sức ép tiến độ làm ảnh hưởng đến chất lượng của các đồ án.

Ngoài ra, Hà Nội cần đôn đốc các sở, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Xây dựng trong vấn đề này.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao động