Hơn 5.600 tỉ đồng xây sân bay Phan Thiết

Cập nhật 08/05/2013 13:45

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về quy hoạch sân bay Phan Thiết.


Theo kế hoạch, liên doanh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) và Công tư CP đầu tư bất động sản Thành Đông sẽ đầu tư trên 5.600 tỉ đồng để xây dựng sân bay trong thời gian từ 3-5 năm. Sân bay Phan Thiết dự kiến đón đoàn khách đầu tiên vào năm 2017.

Sân bay dân dụng và quân sự

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết diện tích sử dụng đất cho sân bay Phan Thiết đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, hiện đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sân bay sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 500ha tại xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết).

Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, sân bay Phan Thiết với quy mô khoảng 500.000 hành khách một năm, trong đó sử dụng các loại máy bay F70, ATR72 hoặc tương đương... và một vị trí cho máy bay trực thăng. Đến năm 2030, mật độ hành khách là 1 triệu mỗi năm. Khi đó sẽ sử dụng thêm các loại máy bay tầm trung như A320, A321, B319... và hai vị trí cho máy bay trực thăng.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và Bình Thuận đã thống nhất sân bay Phan Thiết vừa hoạt động hàng không dân dụng vừa phục vụ nhiệm vụ quân sự. Sau chuyến làm việc, đoàn công tác sẽ báo cáo với Thủ tướng và bộ trưởng Bộ Quốc phòng để triển khai các bước tiếp theo.

Trước đó vào cuối tháng 11-2012, Cục Hàng không VN có tờ trình gửi Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch sân bay Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngày 12-12-2012, Bộ GTVT cũng đã gửi văn bản đến các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan lấy ý kiến đóng góp hồ sơ quy hoạch sân bay này.

Có hiệu quả kinh tế?

Trong văn bản góp ý, Tổng công ty Hàng không VN cho rằng hồ sơ cập nhật số liệu từ năm 2000 - 2008 chưa thể hiện được tình hình biến động kinh tế trong giai đoạn 2009-2012. Sự phát triển của sân bay Phan Thiết trong mối tương quan giữa các phương án vận tải khác như đường bộ, đường biển, đường sắt, đặc biệt là việc mở rộng quốc lộ 1, đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang cũng cần được xem xét. Ngoài ra, số liệu dự báo quy mô hoạt động của hàng không dân dụng tại Phan Thiết được lấy theo dự báo của sân bay Cam Ranh là chưa phù hợp và cần nghiên cứu, bổ sung phương pháp dự báo khác phù hợp hơn.

Đồng quan điểm, Bộ Tài chính cho rằng cần tính toán kỹ hơn phương án dự báo gắn với các kịch bản phát triển kinh tế của vùng, với sự hình thành và phát triển của sân bay Long Thành (phía Nam), sân bay Cam Ranh (phía Bắc), định hướng phát triển các tuyến bay, dự báo đội tàu bay khai thác khi các tuyến đường bộ cao tốc hình thành đi qua Bình Thuận.

Giải trình về những góp ý này, Công ty CP Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không (AEC), đơn vị tư vấn xây dựng sân bay Phan Thiết, cho rằng về dự báo dài hạn, trong giai đoạn quy hoạch ít chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế giai đoạn ngắn. Giai đoạn lập dự án đầu tư sẽ được xem xét kỹ hơn. Về dự báo quy mô hoạt động, đơn vị này đã sử dụng các phương pháp dự báo đã được chấp nhận trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không và từng cảng hàng không.

Về các tuyến khai thác, AEC dự báo 12 tuyến khai thác các loại máy bay chở khách có tầm bay tối đa dưới 800km, 12 tuyến khai thác các loại máy bay chở đầy khách có tầm bay tối đa dưới 2.000km. Luận chứng cụ thể từng tuyến bay sẽ được trình bày trong giai đoạn lập dự án.

Thúc đẩy phát triển du lịch

Ông Đinh Việt Thắng, phó cục trưởng Cục Hàng không dân dụng VN, cho biết đợt khảo sát do đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT thực hiện nhằm thống nhất một số điểm cuối cùng về việc xây dựng sân bay này, trong đó quan trọng nhất là hướng cất, hạ cánh. Theo ông Thắng, việc không xây dựng sân bay Phan Thiết trên cơ sở sân bay quân sự trước đây (tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) là do sân bay cũ này hiện nằm trong lòng thành phố, việc mở rộng rất khó khăn, chưa kể sẽ gây tiếng ồn và các yếu tố môi trường khác. Việc chọn vị trí xây dựng sân bay ở xã Thiện Nghiệp cạnh bãi biển Mũi Né cũng nhằm phát triển du lịch do du khách đến khu vực này ngày càng đông.

Ông Thắng cũng cho biết vốn đầu tư sân bay Phan Thiết (5.665 tỉ đồng) sẽ phân theo từng giai đoạn, huy động từ nhiều nguồn và nhiều thành phần tham gia. Việc sân bay Nha Trang không tiếp tục khai thác mà chuyển đổi đất sang các mục đích khác cũng sẽ tạo nguồn vốn đầu tư sân bay Phan Thiết. Ông Thắng khẳng định xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ không ảnh hưởng tới việc đầu tư sân bay Long Thành do nguồn huy động khác nhau.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ