'Hô biến' đất công thành đất tư, thu hồi được không?

Cập nhật 27/09/2019 13:30

Khu đất công ở đầu cầu Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) bị một hộ gia đình gộp vào đất nhà mình rồi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là "sổ đỏ") trót lọt.

Khu đất bà Bảy cùng khu đất công đã được chuyển mục đích sử dụng đất được bán, hiện đã được chủ đất khác rào lại - Ảnh: V.H.

Sau đó, hộ này làm hàng loạt thủ tục đất đai, với sự "hỗ trợ" của cán bộ xã, khu đất công biến thành đất tư và được chuyển nhượng cho bên thứ ba. Vậy khi phát hiện sai phạm, Nhà nước có thu lại được không? Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì việc xử lý sai phạm này ra sao?...

"Quên" hủy "sổ đỏ" cấp sai

Gia đình bà Từ Thị Bảy (xã Cẩm Thanh) có mảnh đất sau nhà gần 600m2. Năm 2008, bà Bảy làm thủ tục xin cấp "sổ đỏ" khu đất này nhưng gom thêm khu đất công khoảng 730m2 là đất trồng cây lâu năm nằm kế bên.

Ông Lê Thanh, lúc đó là phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cùng cán bộ địa chính xã đã ký xác nhận một số giấy tờ để tham mưu cho TP Hội An cấp "sổ đỏ" gộp hai khu đất trên thành mảnh đất 1.330m2 cho bà Bảy.

Theo ông Nguyễn Minh Lý - chánh văn phòng HĐND-UBND TP Hội An, thời điểm đó khu đất 730m2 đã được Nhà nước thu hồi để quy hoạch làm sân vận động và thực tế TP Hội An đã quản lý.

Sau đó, một gia đình khác khiếu nại về khu đất thì UBND TP Hội An mới vỡ lở ra việc cấp "sổ đỏ" khu đất 1.330m2 có cả đất công do Nhà nước quản lý cho bà Bảy là sai. Lập tức, chủ tịch UBND TP Hội An có quyết định yêu cầu hủy "sổ đỏ" 1.330m2, chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp lại "sổ đỏ" mới cho bà chỉ còn 600m2 như ban đầu.

Khu đất công 730m2 giao cho UBND xã Cẩm Thanh quản lý. Thế nhưng, sau khi có quyết định trên, lẽ ra các cơ quan chức năng phải có động tác thu hồi đất công, hủy "sổ đỏ", cấp lại đúng thực tế cho bà Bảy nhưng lại không làm.

Từ đó đến năm 2015-2016, lúc này ông Lê Thanh giữ chức chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cũng "quên" quyết định hủy "sổ đỏ" bà Bảy. Đến năm 2018, bà Bảy làm các thủ tục chuyển mục đích sử dụng khu đất 730m2 sang đất ở và tiến hành tách thửa, tặng cho con. Sau đó, các con bà Bảy chuyển nhượng khu đất này cho một người khác.

Điều lạ lùng là hàng loạt thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, chia tách, sang nhượng phức tạp trên vẫn được ông Lê Thanh cùng các cơ quan chức năng ký xác nhận.

Khó thu hồi khi đã chuyển nhượng

Ông Nguyễn Minh Lý cho biết theo quy định pháp luật, công dân đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng thì Nhà nước không thu hồi lại được.

"Bây giờ chỉ còn cách khắc phục hậu quả là TP Hội An chọn một đơn vị tư vấn độc lập để họ xác định lại giá trị khu đất, thiệt hại là bao nhiêu để làm cơ sở quy trách nhiệm từng người, ai liên đới thì bồi hoàn lại cho Nhà nước" - ông Lý nói.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền TP Hội An chưa thực hiện việc hủy "sổ đỏ", từ đó người dân dùng quyền sử dụng đất này để thực hiện các giao dịch dân sự như tặng cho, chuyển nhượng thì theo quy định tại điều 133 Bộ luật dân sự 2015, quyền lợi của người thứ ba đã nhận vẫn được đảm bảo, dù các giao dịch, hành vi pháp lý trước đó có bị vô hiệu do trái pháp luật.

Do đó, hiện quyền sử dụng đất của những người đã nhận chuyển nhượng không thể thu hồi vì những người này không làm trái quy định pháp luật.

Về xử lý bồi thường thiệt hại của TP Hội An, luật sư Lê Cao cho hay ở đây thiệt hại tài sản, khu đất Nhà nước đã bị mất đi bởi những tắc trách của một số người, do đó nếu đánh giá thiệt hại phải định giá tài sản theo giá trị thực tế thị trường bị mất đi, để xem xét trách nhiệm của những người gây ra thiệt hại.

Việc định giá giá trị đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về giá và các quy định liên quan đến định giá chứ không thể đưa ra một con số không có cơ sở được.

Ông Nguyễn Minh Lý cho biết trong quá trình xử lý thì TP Hội An cũng có xới lên vấn đề có chuyển xử lý hình sự các cán bộ để xảy ra sai phạm này hay không. Nhưng lỗi này sai có tính hệ thống, mỗi giai đoạn có cái sai khác nhau, trách nhiệm liên quan nhiều người, quy trách nhiệm cụ thể hiện nay là rất khó.

"Tôi cũng nghe thông tin bên Công an tỉnh Quảng Nam có thu thập một số thông tin về vụ việc, còn cụ thể thế nào thì chờ cơ quan tố tụng trả lời chính thức" - ông Lý nói.

Còn luật sư Lê Cao cho rằng các sai phạm của cá nhân có trách nhiệm, thẩm quyền quản lý đất đai cần xem xét có tính vụ lợi hay không, có dấu hiệu của việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình cấp "sổ đỏ", chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất... hay không.

Nếu có những dấu hiệu cho thấy có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, mà các vi phạm đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 229 Bộ luật hình sự 2015 về "Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai" thì cần xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân vi phạm. Vi phạm các tội này có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tù.

Liên quan vụ việc này, Thành ủy, UBND TP Hội An đã có các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng và chính quyền đối với ông Lê Thanh - phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh - và khai trừ ra khỏi Đảng, hạ bậc lương ông Võ Thanh Minh, cán bộ địa chính xây dựng xã Cẩm Thanh.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ