Các dự án gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý không chỉ khiến chủ đầu tư thiệt hại, mà quyền lợi của nhiều người dân cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản tại hội nghị. Ảnh: QUANG HUY
Nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến dự án đình trệ, chậm cấp sổ hồng cho người dân… được nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) nêu ra tại hội nghị gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo chính quyền TP.HCM ngày 27-2.
Chủ đầu tư bị “vạ lây”, người mua nhà chịu thiệt
Tại TP.HCM, nhiều dự án BĐS đang gặp tình cảnh chung, “mang tiếng” chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà do phải chờ đợi quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất nhiều năm.
Như câu chuyện dự án chung cư An Bình (quận Tân Phú) được Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng từ tháng 10-2012. Do một số vướng mắc về pháp lý nên đến tháng 5-2018, UBND TP mới có quyết định về chuyển mục đích sử dụng đất dự án. Nhưng đến nay, dự án chưa được tính tiền sử dụng đất và chưa thể làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần khu nhà ở Him Lam, hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2003 và xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010. Tuy nhiên, do dự án này là dự án thành phần thuộc dự án khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc (Công ty cổ phần Địa ốc 10 là chủ đầu tư), chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng, dự án cũng đã bị thanh tra, điều tra dẫn đến dự án của Công ty Him Lam bị “vạ lây”. Do chưa được giao đất nên Công ty Him Lam không thể thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ hồng cho người mua.
Trường hợp Công ty Sơn Kim Land đã bàn giao tất cả căn hộ thuộc dự án Gateway (TP Thủ Đức) cho khách hàng và những người mua nhà đều đã thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ, đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng. Thế nhưng đến nay dự án cũng chưa được cấp sổ hồng đã dẫn đến sự bức xúc của hàng trăm khách hàng.
Nguyên nhân khiến dự án chưa được cấp sổ hồng là bởi tầng hầm có diện tích lớn hơn so với phần xây dựng. Tuy nhiên, khối đế vượt ra khỏi diện tích tầng hầm là vấn đề kỹ thuật, không chỉ Công ty Sơn Kim Land mà các dự án khác đều gặp phải. “Chính vì vậy, DN kiến nghị TP hướng dẫn để hoàn thành thủ tục hồ sơ, nếu phát sinh chi phí sẽ chi trả với mong muốn lớn nhất cấp sổ hồng cho cư dân” - đại diện Công ty Sơn Kim Land nêu ý kiến.
Hơn 10 năm trời, thủ tục vẫn chưa xong
Ngoài ra, các DN BĐS cũng nêu vướng mắc về thủ tục khiến dự án nhiều năm trời vẫn chưa triển khai, gây thiệt hại rất lớn. Như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va mới được UBND TP và các sở, ngành xem xét, giải quyết được bốn dự án, hiện cũng còn 10 dự án vẫn gặp vướng mắc. Công ty Địa ốc Phú Long gặp vướng mắc dự án tại huyện Nhà Bè 16 năm nay. Năm 2004, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích hơn 44 ha, đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, còn tồn tại một căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến không thể triển khai.
Là DN chuyên làm dự án nhà ở xã hội nhưng nản lòng với những vướng mắc kéo dài ít nhất 3-5 năm vẫn chưa được giải quyết, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ với lãnh đạo TP: “Chúng tôi đang cân nhắc có làm nhà ở xã hội nữa không!”.
Dự án Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) dù đã được UBND TP chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc nhưng sau ba năm thực hiện dự án, nay lại bắt đầu bước đầu tiên. Chưa kể thêm nhiều “trở ngại” bất hợp lý được ông Nghĩa nêu ra như dù dự án nhà ở xã hội do DN bỏ vốn đầu tư từ đầu đến cuối lại bị kiểm toán như một dự án sử dụng vốn nhà nước. Kiểm toán yêu cầu trước khi bán phải đăng báo nhưng lại quy định khắt khe là đăng báo nào, nếu đăng sai sẽ… bị phạt.
“Hay việc xác nhận thu nhập của người mua, xác nhận có nhà chưa, không phải thẩm quyền của chủ đầu tư, chủ đầu tư chỉ dựa trên xác nhận của chính quyền địa phương nhưng lại bị nghi ngờ là bán nhà không đúng đối tượng. Rất vô lý!” - ông Nghĩa bức xúc.
Sẽ gỡ vướng
Chia sẻ với khó khăn của DN BĐS, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cho biết sẽ tập trung giải quyết vướng mắc đang tồn tại của các dự án BĐS, đồng thời có giải pháp rút ngắn thủ tục, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành và UBND quận, huyện.
Ông Phong yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng những vấn đề đã được xử lý để DN có thể triển khai ngay. Như vụ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng, phải cho phép DN triển khai trở lại, không để chậm nữa.
“Trên cơ sở kiến nghị của các DN, giao Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở, ngành và hiệp hội để giải quyết từng vấn đề, kết luận cụ thể. 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao giám đốc Sở KH&ĐT nghiên cứu hồ sơ, báo cáo tổ công tác đầu tư của TP, chậm nhất đến ngày 15-4 phải hoàn thành” - ông Phong chỉ đạo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), kiến nghị UBND TP cần xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà. Về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước thì đề nghị tách ra, xử lý riêng.
Ngoài ra, ông Châu cho biết hiện nay vẫn còn vướng mắc trong giai đoạn xem xét “đủ điều kiện” trước khi nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian làm thủ tục hồ sơ. “Vì vậy, đề nghị TP có cơ chế giám sát khâu tiếp nhận hồ sơ, khi hồ sơ của DN được sở, ngành xác nhận đầy đủ mới có biên nhận hồ sơ. Từ đó mới còn tình trạng sở, ngành nhận hồ sơ rồi vẫn yêu cầu DN bổ sung nhiều lần” - ông Châu nói.
Nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm mạnh
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm hơn 30% về tổng số căn nhà.
Thị trường đang lệch pha cung cầu khi tỉ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, chiếm tỉ lệ thấp nhất; phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 24% lên 57%; phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất, từ 25% lên 42%.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO