Hà Nội: Phải xử lý dứt điểm các chủ đầu tư dự án chung cư có sai phạm

Cập nhật 26/09/2019 15:30

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhấn mạnh, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, kể cả xử lý hình sự nếu hành vi sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền lợi của dân...

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày Nghị quyết 26 của Thành ủy về quản lý nhà chung cư

Sáng nay, 26-9, hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã đã tập trung bàn giải pháp xử lý, chấn chỉnh những tồn tại trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Trình bày Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà chung cư của thành phố đã có nhiều tiến bộ, song vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém.

Có thể kể ra như: việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời; tranh chấp sở hữu chung – riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến; khâu hậu kiểm của các cơ quan nhà nước trước khi đưa cư dân vào ở chưa được thực hiện nghiêm…

Trước thực tiễn đó, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn; đề ra và triển khai quyết liệt các giải pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND Thành phố phải siết chặt các khâu về quản lý nhà nước có liên quan như: lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà chung cư; giám sát, hậu kiểm quá trình thực hiện đầu tư…

Cùng đó, phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, vận hành nhà chung cư. Nghị quyết của thành phố cũng đề nghị người dân khi mua nhà ở chung cư phải xem xét kỹ các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, nhất là các thỏa thuận về tài sản thuộc sở hữu chung – riêng, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
UBND TP Hà Nội sẽ không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn

Tiếp đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục đã trình bày dự thảo Kế hoạch của UBND TP về Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy Hà Nội.

Theo dự thảo kế hoạch này, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kể cả việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và bố trí cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo quy định.

Trong đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, phân bố dân cư hợp lý, đảm bảo tuân thủ đúng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng, trong các hoạt động lập và phê duyệt dự án nhà chung cư.

Đặc biệt, “thành phố chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố” – Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Dự thảo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội cũng xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, bao gồm việc chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về TTATXH liên quan đến quản lý chung cư.

Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành, công bố công khai và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt đỉểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ thực hiện kiểm định các khu chung cư cũ đã xuống cấp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù chung của thành phố về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống ở các khu chung cư cũ.

DiaOcOnline.vn – Theo ANTĐ