Từ năm 2016, Hà Nội bắt đầu lên danh sách các công trình nhà ở nguy hiểm, trong đó cấp độ D là cấp độ buộc phải di dời dân khẩn cấp. Tuy vậy, đã hơn 4 năm qua, mọi chuyện vẫn vậy. Chính quyền vẫn cảnh báo nguy hiểm, còn dân vẫn quyết bám trụ đến cùng. Điều này, đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa lũ đã tới...
Chung cư G6A khu tập thể Thành Công được gắn biển chung cư nguy hiểm nhưng người dân quyết bám trụ tới cùng - Ảnh: Phan Anh
Quyết bám trụ
Tòa nhà G6A, tập thể Thành Công (quận Ba Đình) được liệt kê vào danh sách công trình cấp độ D (nguy hiểm nhất) của Hà Nội. Khu nhà được xây dựng cách đây hơn 30 năm. UBND phường Thành Công đã có phương án di dời dân đến nhà tạm cư từ năm 2016 nhưng với nhiều lí do, 28 hộ dân vẫn cố bám trụ, quyết không dời đi.
Tòa chung cư cũ này gồm 5 tầng, có 3 đơn nguyên. Trong đó, hai đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C.
Tại chung cư này, nhiều hộ dân đã di dời đến nơi ở mới nhưng vẫn có những hộ dân chưa chuyển đi. Nhiều hộ dân cho biết, một trong những lí do họ chưa chuyển đi là vì chưa tin tưởng vào kết quả khảo sát, kiểm định và đánh giá chất lượng rằng khu nhà này. Thậm chí còn bất ngờ khi nơi mình sinh sống thuộc cấp độ D.
Anh Phạm Hải Vinh, một người sống tại tòa nhà G6A cho biết: “Gia đình tôi đã ở đây từ khi tòa nhà này xây dựng. Chúng tôi chưa có một phương án rõ ràng, giấy tờ gì hết. Bây giờ chuyển đi tạm cư, vậy khi xây xong chúng tôi sẽ về như thế nào? Bây giờ tôi chỉ muốn hợp đồng giấy tờ rõ ràng, nói chuyển thì chúng tôi chuyển. Ai chẳng thích ở nhà mới?”.
Tương tự chung cư G6A, đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh hiện đã được các cơ quan chức năng treo biển cảnh báo nhà chung cư nguy hiểm. Tuy nhiên, người dân sống trong đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh đến nay vẫn chưa di dời đến các địa điểm tạm cư vì cho rằng khu nhà này bị... "cắm nhầm biển cấp độ D".
Biển báo chung cư nguy hiểm tại đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh - Ảnh: PV
Ông Long một cư dân hiện đang sinh sống tại đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh, cho biết, khu nhà này xây dựng từ năm 1987 gồm hai đơn nguyên 1, 2, với 50 hộ dân. Là một trong những người về sinh sống đầu tiên tại đơn nguyên 1 đến nay, ông Long khẳng định khu chung cư cũ này chưa hề xảy ra bất kì vấn đề nào liên quan đến lún nứt nghiêm trọng nên việc gắn biển cấp độ D dường như chưa chuẩn xác khiến người dân cho rằng cần phải kiểm định lại để đánh giá đúng thực trạng của khu nhà.
Chính quyền đã làm gì?
Trước thực trạng các hộ dân kiên quyết không di dời, UBND quận Ba Đình đã tổ chức bốc thăm các hộ dân buộc phải di dời . Đến nay, đã qua 4 lần bốc thăm, cụ thể đợt 1 (tháng 12.2016) có 55 hộ tham gia, đợt 2 (tháng 8.2017) có 15 hộ, đợt 3 (ngày tháng 12.2017) có 10 hộ, và tới tháng 5.2018, đợt bốc thăm lần thứ 4 với 4 hộ dân phải di dời. Tuy đã trải qua 4 lần bốc thăm, tuy nhiên, tới nay những hộ bốc thăm phải di dời hiện vẫn chưa có hộ dân nào đi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết: “Phía phường cũng đã vận động các hộ dân di chuyển tránh nguy hiểm, nhưng họ không tin vào thẩm định cấp độ D của khu tập thể và yêu cầu thẩm định lại. Phường và quận đã kiến nghị lên thành phố, sắp tới sẽ tiến hành thẩm định lại“, ông Toản chia sẻ.
Việc cải tạo chung cư cũ nát, Bộ Xây dựng nhận định một trong những trở ngại lớn chính là các quy định, chính sách chưa khuyến khích nhà đầu tư, vì thế nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Thực tế cho thấy, xây dựng lại lượng lớn chung cư đang hư hỏng, xuống cấp, ngân sách nhà nước không thể kham nổi. Do đó, lâu nay ngành chức năng vẫn phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tại Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng cho biết, trong 28 chung cư cũ mà thành phố mời gọi doanh nghiệp cải tạo và xây dựng mới đã có 18 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tuy nhiên, lợi ích của doanh nghiệp và một số quy định chính sách đang “vênh” nhau khiến nhiều nhà đầu tư vẫn đắn đo.
DiaOcOnline.vn – Theo Lao động