Hà Nội lập quy hoạch chi tiết cho thủ đô 9 triệu dân

Cập nhật 25/11/2011 15:10

Đến năm 2030, thủ đô Hà Nội dự kiến có 9,2 triệu người. Để đáp ứng với quy mô dân số này, UBND thành phố đã lên kế hoạch xây dựng 180 đồ án quy hoạch phân khu, chi tiết với tổng vốn 60 tỷ đồng.

Sau khi mở rộng diện tích, Hà Nội có quy mô dân số tăng gấp đôi, diện tích tăng hơn 3 lần, mục tiêu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai các quy hoạch ngành, vùng, phân khu, chi tiết.

Tại hội nghị triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch chung thủ đô sáng 24/11, UBND Hà Nội đã đưa ra danh mục xây dựng 180 đồ án quy hoạch, trong đó 10 quy hoạch ngành như y tế, giáo dục, thương mại, tư pháp, giao thông, cấp thoát nước, nghĩa trang; 32 đồ án quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; 38 đồ án quy hoạch phân khu tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, được giới hạn từ vành đai 4 trở vào... Dự kiến kinh phí lập quy hoạch là 60 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và hơn 10 tỷ đồng từ vốn các doanh nghiệp.

Hà Nội sẽ có hàng loạt khu đô thị ngoài vành đai 3. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thành phố cũng đưa ra lộ trình 2011-2012 sẽ xây dựng 44 đồ án, quy hoạch ưu tiên như cải tạo, phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế xã hội; phát triển các khu đô thị mới phía đông vành đai 4; Đông Anh, Mê Linh; xây dựng nhà ở xã hội và tái định cư, công viên cây xanh, phát triển hệ thống trung tâm thương mại và văn hóa, thể thao; xây dựng các cụm trường đại học mới và tổ hợp y tế đa chức năng.

Giai đoạn 2013-2015, thành phố sẽ tiếp tục lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường theo hình thức BOT, BTO, BT đối với các tuyến đường chính, vành đai, đường xuyên tâm quan trọng; quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp, quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực nội đô và hai bên sông Hồng, sông Đuống...

Tuy nhiên, mối lo ngại của lãnh đạo thành phố là chất lượng đội ngũ làm quy hoạch bởi sẽ ảnh hướng lớn tới chất lượng các đồ án. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố sẽ tập trung nguồn tài chính để xây dựng các quy hoạch, song lo ngại về đội ngũ cán bộ làm quy hoạch, nhất là tại các quận huyện còn khá yếu. Ông Thảo mong muốn Bộ Xây dựng sẽ cùng giúp Hà Nội tư vấn, xây dựng, thẩm định các đồ án. Sau đó, các ngành, địa phương sẽ công khai các quy hoạch đã được duyệt cho người dân biết.

"Các quy hoạch phải theo chủ trương chung, phát huy tính hiện đại của nhân loại song vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Sau đó, thành phố sẽ ban hành quy chế huy động vốn để đầu tư. Chúng ta phải xây dựng hàng loạt đô thị mới ở vành đai để kéo dân ra ngoài đô thị lõi", ông Thảo nói.

Tại hội nghị, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, hai quy hoạch chiến lược mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn là việc đưa quy hoạch vào cuộc sống. Các sở ngành, địa phương phải nghiêm túc triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ đã được thành phố giao, UBND Hà Nội phải chỉ đạo, giám sát và kiểm tra triển khai quy hoạch tiếp theo.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 4.100-4.300 USD, đến năm 2020 đạt 7.100-7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 7,2-7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9-8 triệu người, năm 2030 khoảng 9,2 triệu dân. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 khoảng 46-47%, năm 2020 đạt 58-60%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị vận hành.



DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress