Hà Nội kiến nghị bỏ, Bộ Xây dựng bảo cần

Cập nhật 23/08/2010 11:50

Lãnh đạo Hà Nội vừa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, nếu không xây Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì (còn quen gọi là trục Thăng Long, trục tâm linh) không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - xã hội - chính trị.


Trục Hồ Tây - Ba Vì (hay còn gọi là trục Thăng Long, trục tâm linh) được lấy ý kiến của đông đảo người dân

Lý do lãnh đạo Thủ đô đưa ra bởi trục Hồ Tây - Ba Vì được đặt ra gắn liền với việc quyết định vị trí Trung tâm hành chính quốc gia, ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững. Khi đã khẳng định không xây Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa nữa. Trục Hồ Tây - Ba Vì (hay còn gọi là trục Thăng Long, trục tâm linh) được lấy ý kiến của đông đảo người dân

Cũng theo UBND Thành phố Hà Nội, xét trên yêu cầu về không gian cảnh quan và bảo vệ môi trường, không gian Hồ Tây - Ba Đình, vị thế được khẳng định là trung tâm chính trị - hành chính của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sẽ được liên kết với 3 không gian có địa thế cao: Núi Đền - Sóc Sơn ở phía Bắc, núi Tản Viên - Ba Vì ở phía Tây và Hương Sơn - Hương Tích ở phía Tây Nam. Trong đó, không gian Ba Vì - Núi Tản là vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên cần được bảo tồn đặc biệt của quốc gia.

Trong trường hợp xét về nhu cầu giao thông, với đề xuất định hướng phân bổ dân cư khu vực phía Tây trên 1 triệu người, định hướng về giao thông đã có trên 32 làn xe (đường Láng - Hòa Lạc 10 làn; đường 32 và Tây Thăng Long tổng số 12 làn; đường 6 và Nam đường 6 tổng cộng 10 làn), cùng hàng loạt tuyến đường sắt đô thị số 5 (trên đường Láng - Hòa Lạc), số 2 (trên đường 6) và số 3 (trên đường 32) - theo lãnh đạo Thủ đô, những tuyến đường như vậy cũng đã đảm bảo nhu cầu giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh ở phía Tây, do đó chức năng giao thông kết nối giữa Ba Đình và Ba Vì không còn cần thiết nữa.

Cùng với đó, Hà Nội cho rằng cần cân nhắc thận trọng khả năng tài chính và nguồn lực thực hiện trục Hồ Tây - Ba Vì nếu vẫn triển khai, bởi sẽ phải di dời nhiều làng xóm và một số khu vực hiện dày đặc các dự án đã, đang đầu tư xây dựng, Nhất là, trong bối cảnh hiện nay, Thủ đô đang cần huy động nhiều nguồn kinh phí để phát triển đồng thời nhiều công trình trọng điểm, thiết thực khác.

Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn khẳng định: “Trục Thăng Long mà nay đổi tên thành tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì vẫn được bảo lưu trong đồ án. Đây là tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển lâu dài của thủ đô và là tuyến đường cần thiết, bởi lưu lượng giao thông ra phía tây Hà Nội rất lớn. Chúng ta phải nhìn bức tranh toàn cảnh của Thành phố chứ không nên đặt vấn đề đường này đường kia cách nhau gần hay xa”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, phải quy hoạch làm tuyến đường này để giữ đất bởi tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì cùng với Láng - Hòa Lạc phục vụ cho tương lai, khi đô thị Hòa Lạc có 60 vạn dân, đô thị Sơn Tây 18 vạn dân. Nếu không, lỡ cấp phép dự án cho các chủ đầu tư vào khu vực này thì sau giải phóng mặt bằng sẽ vô cùng phức tạp.

Ông Toàn cũng cho rằng, dù không có Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì thì tuyến đường này vẫn rất quan trọng. Một số nước trên thế giới đã làm rất thành công tuyến đường tương tự như tuyến này. Do đó, không có lý do gì thủ đô của một nước với dân số 100 triệu người trong tương lai lại không có một tuyến đường quy mô lớn như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp