Hà Nội kiểm tra các công trình tự hợp khối, hợp thửa

Cập nhật 05/11/2020 11:15

Sở Xây dựng Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, báo cáo tình trạng các công trình quy mô lớn tự hợp khối từ những lô đất quy hoạch, phân lô biệt thự, nhà liền kề.

Một công trình khủng được xây dựng tại Thành phố giao lưu (Ảnh: Diệu Hoa)

Thời gian qua nhiều dự án nhà ở, khu đô thị ở Hà Nội xuất hiện các công trình khủng được xây dựng kiểu "cung điện, lâu đài" tự hợp khối từ những lô đất quy hoạch, phân lô biệt thự, nhà liền kề vi phạm trật tự xây dựng gây phá vỡ quy hoạch.

Cụ thể, công trình đang thi công trên địa bàn phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) tên thương mại là TSG Lotus Sài Đồng đã được sửa chữa cải tạo và đục thông các phòng, hợp khối lại. Hay tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội cũng xuất hiện công trình 11N8A trên đường Nguyễn Thị Thập với chiều cao 9 tầng.

Hoạt động xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, xây sai thiết kế phá vỡ quy hoạch cũng diễn ra phổ biến ở những khu nhà ở thấp tầng như: Khu đất ký hiệu TT5A thuộc KĐT mới Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); Khu đô thị Văn Phú, Văn Khê (quận Hà Đông), Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), dự án Foresa Villa (quận Nam Từ Liêm); dự án Five Star Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm)…

Tại những dự án này, sau khi nhận nhà thô của chủ đầu tư dự án, chủ nhà tiến hành hoàn thiện nhưng đã cải tạo không đúng với hiện trạng ban đầu khác biệt hoàn toàn với những dãy công trình liền kề được xây dựng theo thiết kế chung.


Điều đáng nói, hầu hết những công trình vi phạm đến nay vẫn chưa được xử lý, cưỡng chế phần vi phạm. Trong khi đó tại nhiều nơi, chính quyền địa phương với điệp khúc "phạt cho tồn tại" gây bức xúc dư luận.

Giới chuyên môn cho rằng để hạn chế và xử lý triệt để vấn đề trên cần phải gắn trách nhiệm công việc cụ thể cho cán bộ quản lý cấp phường, xã, quận, huyện. Từ đó mới có thể quy trách nhiệm cho cá nhân khi công trình xây dựng trên địa bàn xảy ra vi phạm.

Tuy nhiên, một cán bộ tổ trật tự xây dựng địa phương cho biết: Một số ô đất liền kề gộp thửa và mặt kiến trúc hơi khác với các căn liền kề xung quanh như thế là sai. Khi phát hiện đã lập biên bản sai phạm và cũng đã có văn bản đôn đốc xử lý vi phạm.

“Theo nguyên tắc, chủ đầu tư xây dựng phần thô theo dự án sau đó bàn giao cho người dân. Giờ người dân nhận nhà vào hoàn thiện, nếu có sai phạm về quy hoạch kiến trúc và liên quan đến cấp giấy chứng nhận thì trách nhiệm trước tiên thuộc chủ đầu tư dự án. Sau đó là trách nhiệm quản lý của UBND phường sở tại” – vị này cho biết.

Tăng mức phạt gấp đôi

Để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất mức tiền phạt tăng gấp đôi hiện nay, cao nhất là 2 tỷ đồng. Cụ thể, khung phạt 80 - 100 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Dự thảo cũng đưa ra khung phạt tiền từ 200 - 240 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; Xây dựng công trình sai cốt xây dựng; Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông…

Đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì có thể chịu mức phạt tới 700 triệu đồng. Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này...

Được biết, dự thảo đang được lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi trình ra HĐND thành phố thông qua.
 

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN