Nút giao thông Ngã Tư Vọng. (Ảnh: Danh Lam)
|
Chiều 21/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết thành phố Hà Nội cần khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong năm năm (2011-2015).
Để bảo đảm nguồn vốn này, thành phố sẽ vay vốn ODA, phát hành trái phiếu, áp dụng các hình thức đầu tư như BT, BOT, lấy quỹ đất phát triển hạ tầng...
Thành phố sẽ tập trung đầu tư một số dự án giao thông quan trọng, trong đó ưu tiên cho việc hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2, vành đai 3 theo hướng đi trên cao là chính như đoạn vành đai 4 từ Quốc lộ 32-Quốc lộ 6 và Quốc lộ 6-Quốc lộ 1; cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 1A cũ từ Văn Điển-Cầu Giẽ, Quốc lộ 6 từ Ba La-Xuân Mai; Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 2 (Phủ Lỗ-Bắc Thăng Long); trục Tây Thăng Long (qua Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây) và Hoàng Quốc Việt kéo dài.
Đồng thời, Hà Nội cũng xác định một số trục chính đô thị quan trọng để đầu tư như Ô Chợ Dừa-Voi Phục-Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái (vành đai 1); hoàn chỉnh tuyến Cát Linh-La Thành-Thái Hà, Văn Cao-Hồ Tây; Núi Trúc-Tây Sơn; Bảo tàng Dân tộc học-Phú Đô-Yên Hòa; mở mới tuyến Tôn Thất Tùng-đường vành đai 3-đường vành đai 3.5; tuyến Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Lĩnh Nam-Kim Đồng-Nguyễn Trãi-Xuân Thủy-Xuân Đỉnh (đường vành đai 2.5); Nguyễn Tam Trinh-Kim Ngưu; Huỳnh Thúc Kháng-Láng; Yên Viên-Ngô Gia Tự (Quốc lộ 1A cũ).
Các tuyến đường ngoại thành khác sẽ được đầu tư như đường 23; đường 80 kéo dài từ Phúc Thọ-Phú Xuyên; đường 21 (từ Láng Hòa Lạc-Sơn Tây); trục Miếu Môn-Hương Sơn; trục Đỗ Xá-Quan Sơn; đường 70 (Văn Điển-Hà Đông và từ Ngọc Trục đến Nhổn); đường gom phía đông đường Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Để phân luồng từ xa, thành phố Hà Nội sẽ triển khai xây dựng, cải tạo các đường quốc lộ hướng tâm, đường cao tốc gồm: Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên; đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai; đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; tuyến trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam (thuộc tỉnh Hà Tây cũ); tuyến trục phía Nam (thuộc tỉnh Hà Tây cũ); đường Nhật Tân-Nội Bài; vành đai cầu Thanh Trì đến Hưng Yên; đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; đường Lê Văn Lương kéo dài.
Nhằm tăng cường lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, thành phố tập trung triển khai công tác cải tạo chống xuống cấp đồng bộ trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường nội đô gồm đường 417 (đường 83 cũ), đường 429 (đường 73 cũ), Quốc lộ 21B, đường Phù Đổng, Đông Hội, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, đường 412 (đường 90 cũ), đường 415 (đường 89 cũ), Quốc lộ 2, Quốc lộ 6; sửa chữa lớn hoặc xây dựng mới các cầu như cầu Quan, cầu Quả, cầu Đồng Mô, cầu Hòa Lạc (Quốc lộ 21), cầu Am, cầu Triều, cầu Ngà (đường 70 cũ), cầu Lạc Trung, cầu Trắng (Hoàng Mai).
Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ xén dải phân cách mở rộng tuyến đường Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai lập dự án, thi công xây dựng các điểm đỗ xe tĩnh như bãi đỗ xe ngầm vườn hoa Vạn Xuân, bãi đỗ xe ngầm và dịch vụ tổng hợp tại D24 Khu đô thị Cầu Giấy, bãi đỗ xe Trần Nhân Tông, bãi đỗ xe Tam Hiệp-Thanh Trì.
Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải sẽ rà soát khoảng 60 điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp với thực tế; bổ sung vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông, chú trọng vào các tuyến đường hướng tâm, tuyến đường vành đai có lưu lượng giao thông lớn và thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phương tiện, hệ thống cơ sở hạ tầng xe buýt, cải cách công tác quản lý-điều hành, đào tạo đội ngũ lái xe, tiếp viên; nâng cấp mạng lưới thông tin, hướng dẫn hành khách để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng nhiều người sử dụng xe buýt.
Hà Nội sẽ xây dựng những tuyến xe buýt từ khu công nghiệp và trường đại học... Đặc biệt sẽ triển khai nhân rộng một số tuyến buýt nhanh trên một số tuyến đường có nhu cầu, mật độ cao, có điều kiện để bố trí phương tiện buýt nhanh.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+