Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh nào?

Cập nhật 02/03/2011 10:20

Theo dự kiến, trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo định hướng, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng và phát triển trở thành thành phố xanh, văn minh, hiện đại, văn hiến, với nền tảng phát triển bền vững, là trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, đồng thời có tầm ảnh hưởng khu vực.

Theo đó, Thủ đô sẽ được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị hạt nhân trung tâm kết nối với năm đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Đô thị trung tâm hạt nhân (hay đô thị lõi) sẽ bao gồm cả hai phía tả và hữu sông Hồng, được quy hoạch trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố Hà Nội và cả nước.

Hà Nội phát triển bền vững theo mô hình chùm đô thị hạt nhân Ảnh: VA.ST

Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị lõi vào khoảng 4-4.6 triệu người. Các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn, dự báo dân số khoảng 1.3-1.4 triệu người. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các cơ quan, công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì - Mỹ Đình hoặc Tây hồ Tây.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH – KT), trong năm 2011, để chuẩn bị cho công tác triển khai Đồ án này sau khi được phê duyệt, Sở đã xem xét, đề xuất TP cho phép triển khai các quy hoạch phân khu. Đối với đô thị trung tâm được xác định 25 phân khu và kế hoạch cần triển khai ngay.

Tại khu vực nội thành đã ổn định về quy hoạch song tại một số quận có yêu cầu kiểm soát đặc biệt được đề xuất lập quy hoạch phân khu theo các dự án riêng như: Cải tạo các khu tập thể, di dời các cơ sở y tế, trường đại học, cơ sở gây ô nhiễm... Sở QH - KT cũng đã nghiên cứu, đề xuất phân vùng kiểm soát công trình cao tầng trong bốn quận nội thành.

Kết quả rà soát phân loại 250 dự án với ba loại, cụ thể đã đề xuất 141 dự án được phép tiếp tục triển khai và 34 dự án phải điều chỉnh quy mô cho phù hợp.

Các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội cũng là đề tài được dư luận quan tâm thời gian qua, theo đồ án quy hoạch chung, cũng đã hình thành khá rõ nét. Đó sẽ là các tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì, trục quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long, trục quốc lộ 6, quốc lộ 3, trục quốc lộ 1, trục Nhật Tân- Nội Bài...

Đồng thời, với việc cải tạo và xây mới các tuyến đường vành đai như vành đai 1 đoạn Cầu Giấy - Trần Khát Chân dài 10.2 km, quy mô 6-8 làn xe. Trong đó, Bộ Xây dựng khẳng định tuyến đường Ba Vì - Hồ Tây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, vừa đóng vai trò là trục giao thông chính, đồng thời là hành lang hạ tầng kỹ thuật chính; hỗ trợ phát triển các vùng phía Tây Bắc Hà Nội như Hoà Lạc, Sơn Tây, Ba Vì, khu vực Nam Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Điểm mới đáng lưu ý của Đồ án này là sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lồng ghép dự án sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào quy hoạch chung Thủ đô, ý tưởng thiết kế đưa ra khác với ý tưởng của phía đơn vị tư vấn Hàn Quốc đưa ra về một TP bên sông tập trung nhiều trung tâm thương mại, tài chính, nơi đây sẽ được ưu tiên phát triển không gian xanh, hạn chế nhà cao tầng. Dự án TP ven sông Hồng có bốn khu chức năng.

Khu 2 của hữu ngạn phía Nam sông Hồng thuộc bãi Tứ Liên sẽ thành không gian xanh với nhiều công trình văn hóa quốc gia mang tính chất cộng đồng thay vì những dãy nhà cao tầng như phía Hàn Quốc đề xuất. Thêm vào đó, tả ngạn khu 4 (gần với làng cổ Bát Tràng) cũng không phát triển nhà cao tầng. Ngoài ra ở phía hữu ngạn khu 1 Thượng Cát sẽ được chuyển thành công viên xanh.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH - KT, khi làm quy hoạch chung thì thấy đây là khu vực quý hiếm, nên trọng tâm cơ bản là tổ chức không gian xanh, không có nhà cao tầng ở khu vực này. Thay vào đó, sẽ là công trình văn hóa của Thủ đô.

Để thực hiện dự án, trước khi tính đến việc di dời dân cư, do đặc thù phức tạp của các cụm dân cư dọc ven sông Hồng, công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là phải kiểm soát được mật độ xây dựng ở các khu vực này; khoanh vùng các đối tượng có nguồn gốc đất khác nhau; và không cấp bất cứ một thỏa thuận nào có thể dẫn tới việc bổ sung thêm dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây phiền toái cho quá trình di dời thực hiện quy hoạch của Thủ đô sau này.

Sau khi quy hoạch chung được duyệt, dự án TP ven sông Hồng sẽ phải lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Ứng với mỗi quy hoạch chi tiết có một dự án đầu tư, lúc đó mới tính đến vấn đề về vốn, kêu gọi đầu tư và giải phóng mặt bằng. 39,000 hộ dân sẽ được ưu tiên tái định cư tại chỗ. Một số nhỏ dân cư còn lại sẽ được tái định cư phụ cận sang quận Long Biên, huyện Gia Lâm và Đông Anh.

Về thời gian thực hiện dự án ven sông Hồng, ông Tuấn lạc quan rằng, với những thay đổi gần như hầu hết về nội dung cơ bản, chỉ cần 10 năm có thể đủ thời gian để hoàn thành. Đó cũng là thời gian để ngay từ bây giờ khi người dân và các nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư vào các bất động sản ven sông Hồng hãy tìm hiểu kỹ quy hoạch và nguồn gốc đất ở các khu vực này.

DiaOcOnline.vn - Theo PL&XH