Hà Nội: Cần "mạnh" tay hơn nữa với dự án nhà cao tầng

Cập nhật 20/07/2010 13:10

Hà Nội có nên cho phép tiếp tục các dự án nhà cao tầng? Hiện nay, với 223 dự án nhà cao tầng trong 4 quận trung tâm, dự án nào được xây tiếp, dự án nào ngưng hẳn?

Dưới góc nhìn của nhà kiến trúc về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (ảnh), nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội về "số phận" của những dự án cao tầng hiện nay của Hà Nội.

* Thưa ông, việc xây dựng các dự án nhà cao tầng trung tâm thủ đô mặc dù đã được Chính phủ yêu cầu ngừng triển khai tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới góc nhìn của nhà kiến trúc, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Không chỉ là thủ đô, Hà Nội còn là thành phố đặc biệt, là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới, là 1 trong số ít các thành phố có bề dày nghìn năm tuổi. Thế nên, không chỉ người dân Việt Nam, mà cả nhân dân thế giới đều mong Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn, hấp dẫn nhưng có dấu ấn riêng để hòa nhập.

Chúng ta đã dần nhận diện được giá trị văn hóa của dân tộc nằm trong lòng thành phố, và chính vì thế mà phố cổ, các di sản văn hóa... đang được chúng ta nỗ lực gìn giữ.

Câu chuyện nhà cao tầng trung tâm thủ đô là vấn đề khá nổi cộm, đó là vấn đề quy hoạch kiến trúc thành phố.

Bởi lẽ nhà cao tầng có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội, phản ánh phần nào quy hoạch thủ đô qua các thời kỳ. Theo đó, nhìn diện mạo đô thị, thấy được mức độ mối quan hệ giữa kiến trúc sư, chủ đầu tư và nhà quản lý.

* Cách đây chưa lâu, thành phố Hà Nội đã trình lên chính phủ đề xuất rà soát các dự án nhà cao tầng khu vực trung tâm, theo hướng phân thành 3 vùng để quản lý. Việc phân vùng quản lý liệu như thế có hợp lý hay không thưa ông?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Việc chia vùng quản lý không phải vấn đề mới trong quy hoạch của Hà Nội.

Theo tôi được biết, trước đó, trong quy hoạch được phê duyệt năm 1998 đã có câu: "hạn chế chiều cao các công trình trong khu phố cũ, chỉ xây ở vị trí thích hợp. Nhiều quy hoạch chi tiết đã được thành phố lập cho từng khu vực, trong đó có giới hạn cả chiều cao".

Thế nên, việc các khu vực cấm xây hay hạn chế xây cao tầng đã được quy định từ trước, và nếu như cấp phép dự án trong khu vực này thì là cấp sai, phải sửa, phải thu hồi.


Việc xây dựng dự án nhà cao tầng ở nội đô đã có quy định từ ngày xưa!

Vì vậy, mới đây việc Thủ tướng yêu cầu dừng xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm Hà Nội chỉ là nhắc lại rằng có quy định đang cần phải thực hiện theo.

* Vậy thưa ông, việc quy hoạch và rà soát dự án của Hà Nội hiện nên theo hướng nào?


KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi nghĩ việc rà soát dự án phải thực hiện theo hướng kế thừa các quy hoạch cũ, xét đến diện mạo lâu dài của Hà Nội.

Vừa rồi, UBND TP Hà Nội đã đề xuất quản lý quy hoạch Hà Nội theo dạng lòng chảo, thấp dần về phía trung tâm. Đây là cách quy hoạch đơn điệu. Bởi lẽ trong giai đoạn 1998 - 2005, thành phố đã xây dựng được 80 công trình cao tầng làm đẹp cho thành phố.

Mặc dù Hà Nội đã cố gắng xây dựng quy hoạch theo hướng lòng chảo, có kết hợp điểm cao tầng, tuyến cao tầng, tổ chức không gian theo hình múi khế giống cách thế giới làm. Ví như tuyến cao tầng Trần Hưng Đạo, Láng Hạ kéo dài hay điểm cao tầng ở Hồ Tây...

Tuy nhiên, theo tôi dù là làm gì thì việc trước tiên Hà Nội phải làm đó là phải quy hoạch chiều cao. Quy hoạch đó không chỉ thể hiện ý chí của nhà chuyên môn, mà phải có sự góp ý, đồng thuận của người dân.

Theo đó, quy hoạch chiều cao phải là sự kết hợp giữa các tuyến, mảng, sự kết hợp tổng thể, cân bằng trên phạm vi toàn thành phố.

* Tuy nhiên, trước khi Chính phủ yêu cầu Hà Nội không được xây dựng dự án cao tầng trong nội đô thì đã có một số dự án đang triển khai dang dở và nếu không được tiếp tục thì sẽ gây tổn thất lớn về mặt tài chính đối với một số chủ đầu tư. Theo ông, Hà Nội nên xử lý vấn đề này thế nào?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Mặc dù hiện nay một số chủ đầu tư đang triển khai dự án dở, tuy nhiên tôi nghĩ các nhà đầu tư lúc này phải vì diện mạo Hà Nội hơn là việc tính đến lợi nhuận cho mình.

Thành phố phải "mạnh tay" vì tương lai của Hà Nội. Tuy nhiên, đó không phải là sự "mạnh tay" tùy ý, mà phải căn cứ vào quy hoạch.

Tôi nghĩ TP Hà Nội còn có nhiều cơ hội để cân bằng quyền lợi cho chủ đầu tư, khi mà thành phố sau khi mở rộng còn quỹ đất rất lớn để điều chỉnh vị trí các dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV