Hiện tại Hà Nội có 43 cơ sở y tế cần được xem xét đi dời và trong tổng số 96 trường học hiện có thì có khoảng có 23 cơ sở cần được xem xét di chuyển. Đây là nội dung chính của buổi làm việc của UBND TP Hà Nội với các bộ ngành liên quan về việc thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài nội thành Hà Nội.
Theo đó, các cơ sở y tế, bệnh viện di dời sẽ được tổ chức tập trung theo năm hướng quanh nội thành, còn các cơ sở giáo dục, trường học sẽ được tổ chức di dời đến 7 khu đô thị vệ tinh…
Bệnh viện phải cách trung tâm từ 25-30 km
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, hệ thống các bệnh viện Trung ương tập trung khá lớn và đang bị quá tải trầm trọng, nhất là tại 4 quận nội thành.
Hiện nay, trong phạm vi 4 quận nội thành đã có 43 cơ sở y tế cần được xem xét di dời, trong đó có 13 bệnh viện cấp Trung ương, 4 bệnh viện Bộ Ngành, 13 Viện nghiên cứu, và 13 bệnh viện cấp Thành phố. Điều đáng nói là nhiều cơ sở có mức độ lây nhiễm cao, lại nằm trong khu dân cư đông đúc.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện lại quá nhỏ hẹp, lại nằm trong khu hạn chế phát triển, khiến cho hạ hạ tầng ngày càng quá tải, nhất là lượng chất thải y tế lớn xả ra mà không có khả năng xử lý.
Bộ Xây dựng cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế cho xây dựng 4 cụm y tế chuyên sâu, đa khoa, đồng thời, Bộ Y tế đã có kế hoạch di dời 13 bệnh viên khỏi nội thành và đề nghị UBND TP tạo điều kiện cho các bệnh viên nâng cấp tại một số cơ sở còn quỹ đất xây dựng và nâng tầng để tăng thêm giường bệnh trong khi chờ xây dựng cơ sở 2.
Các cơ sở y tế, bệnh viên di dời sẽ được tổ chức tập trung theo năm hướng quanh nội thành, xây dựng thành 5 tổ hợp công trình y tế đa chức năng, chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế.
Theo đó, khu vực phía Bắc bố trí tại huyện Sóc Sơn (khoảng 100ha); khu vực phía Nam tại huyện Phú Xuyên (khoảng 200ha); khu vực phía Đông tại huyện Gia Lâm (khoảng 50ha); khu vực phía Tây tại Hòa Lạc (khoảng 200ha); khu vực phía Tây Bắc tại Sơn Tây (khoảng 50ha).
Điều đáng chú ý là sẽ không xây mới bệnh viện trong khu đô thị trung tâm, và các bệnh viên mới xây phải cách trung tâm thành phố trong khu vực bán kính khoảng 25 - 30km2, theo đó phải đặt tại đầu mối giao thông thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị…
Trước mắt các cơ sở y tế ở khu vực nội thành vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, khi nào xây dựng xong các cụm y tế mới tiến hành di dời.
Trường học được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh
Hiện nay Hà Nội chiếm 1/3 tổng số các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc (96 trường), và chiếm 40% tổng số SV cả nước (khoảng 66 vạn SV). Riêng 4 quận nội thành có 26 cơ sở. Thực trạng hệ thống các trường học nói trên cũng đang gây áp lực quá tải tới hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
Theo định hướng đến năm 2020, số lượng SV sẽ tăng lên gần 2 triệu nên sẽ cần khoảng 15.000ha để xây dựng cơ sở vật chất. Vì vậy Bộ Xây dựng đã đề nghị 23 cơ sở cần được xem xét di chuyển (với 20 trường ĐH và Học viện, 3 trường CĐ).
Sau khi di dời, các trường này sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như khu vực Gia Lâm (khoảng 250ha), khu vực Sóc Sơn (khoảng 600ha), khu vực Sơn Tây (khoảng 300ha), khu vực Hòa Lạc (khoảng 1.200ha), khu vực Phú Xuyên (khoảng 100ha)…
“Từ nay đến cuối tháng các Sở, ngành của TP sẽ phối hợp với các Bộ để thống nhất cơ sở nào cần di chuyển, cơ sở nào di chuyển một phần… Và đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 Hà Nội sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch di dời các cơ sở y tế, giáo dục khỏi 4 quận nội thành”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nói.
DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV