Giải tỏa mâu thuẫn chung cư: Khi trách nhiệm thuộc về cư dân

Cập nhật 11/11/2019 14:45

Đối lập về quyền lợi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân sinh sống tại chung cư.

Pháp luật không khuyến khích việc một nhóm cá nhân kích động người dân phản đối chủ đầu tư

Theo số liệu thống kê, tại Hà Nội cứ 10 chung cư ở thành phố có một chung cư đang xảy ra tranh chấp. Và có một thực tế mỗi khi tranh chấp chung cư xảy ra, cư dân thường là người thua thiệt.

“Cuộc chiến” chưa hồi kết

Dù đã về ở 3 năm, nhưng cư dân tại chung cư Golden West vẫn luôn lo lắng, bức xúc bởi hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư - Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) chưa được giải quyết, thậm chí còn được “hợp thức hoá” phục vụ lợi ích chủ đầu tư.

Cụ thể, theo thiết kế đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2014, toàn bộ chung cư Golden West có 58 ô thoáng (ô thông tầng) nằm rải rác ở các tầng của tòa nhà. Nhưng tới thời điểm hiện nay, chủ đầu tư Vietradico đã cố tình “biến” các ô thoáng thành căn hộ để bán.

Ngoài ra, tại tầng hầm B1, một phần diện tích đã bị chủ đầu tư xây tường sử dụng làm dịch vụ, cản trở tầm nhìn tại lối ra và toàn bộ tầng 19A theo thiết kế là tầng kỹ thuật-sky garden (có trồng các dãy cây xanh xung quanh và bốn góc) nhưng hiện tại đã bị chủ đầu tư quây kính xung quanh, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ là tầng "sky-garden".

Cũng tại tầng 1, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế không đúng phê duyệt, lấn chiếm 1 phần diện tích sảnh và lối vào phòng sinh hoạt cộng đồng để cho siêu thị thuê; 1 phần diện tích còn lại được chủ đầu tư cho đơn vị khác thuê để làm nhà trẻ - mẫu giáo…

Trao đổi với báo chí, các hộ dân tại chung cư Golden West cho rằng, hành vi vi phạm “bịt” các ô thoáng của chủ đầu tư tại các tầng là sự coi thường quyền lợi, pháp luật và coi thường chính tính mạng cư dân.

Được biết, cư dân đã nhiều lần nộp đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Câu chuyện mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân cũng diễn ra trong thời gian dài tại chung cư Scitech Tower, ngõ 304 đường Hồ Tùng Mậu. Sau 2 năm bàn giao nhà, nhưng cư dân tại chung cư chưa được bàn giao sổ hồng, các hồ sơ nghiệm thu công trình… Khi người dân phản ánh sự việc, đã bị phía chủ đầu tư đơn phương cắt nước khiến các hộ dân khốn đốn.

Ngoài ra, còn hàng loạt mâu thuẫn tại chung cư khác như: Star City (Lê Văn Lương), Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), chung cư Smile Building (Hoàng Mai, Hà Nội),… cho thấy “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư và cư dân dường như vẫn chưa có hồi kết.



Người dân cần trang bị kiến thức

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng Luật BQH và Cộng sự cho rằng việc xảy ra mâu thuẫn chung cư một phần do ý thức tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư chưa tốt.

Cụ thể, việc bàn giao các trang thiết bị, sở hữu chung riêng, quỹ bảo trì… đã được quy định trong luật nhưng chủ đầu tư vẫn không tuân thủ theo quy định của pháp luật về thời hạn bàn giao với nhiều lý do liên quan đến thành lập ban quản trị. Mặt khác, khi xảy ra mâu thuẫn hoặc bất đồng với chủ đầu tư, sự tham gia của chính quyền địa phương và việc hòa giải chưa thực sự hiệu quả.

Theo Luật sư Hưng, điều cần thiết để giải tỏa các tranh chấp này là một cơ chế pháp lý chặt chẽ cụ thể và một cơ chế giám sát hiệu quả từ phía cơ quan Nhà nước để đảm bảo cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà chung cư đều phải tuân thủ các quy định này.

Trong nhiều trường hợp khiếu nại của người dân cần phải thể hiện ý chí của đa số người dân trong chung cư và nhiều trường hợp, một số ít người dân khiếu nại sẽ không đại diện cho quyền lợi của người dân trong chung cư.

Do vậy, để tránh các tranh chấp không cần thiết phát sinh liên tục cũng như giảm thiểu sự bất ổn trong nhà chung cư, người dân nên nêu ý kiến của mình đối với Ban quản trị, hoặc chính quyền địa phương nhằm tìm kiếm cơ chế hòa giải hơn là gây ra những mâu thuẫn không cần thiết và dễ làm ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung trong nhà chung cư.

"Pháp luật không khuyến khích việc một nhóm cá nhân cố tình tỏ ra không hài lòng để rồi kích động người dân phản đối, bởi hành động này dễ bị xem là hành vi gây rối trật tự công cộng" - Luật sư Hưng cho biết.

Theo Luật sư Hưng, với người dân sinh sống tại các khu chung cư, nếu đã lựa chọn nhà chung cư làm nơi ở thì mỗi người cũng cần tuân thủ nguyên tắc chung và riêng của chung cư, như khi sử dụng thang máy, hành lang, vườn hoa, cũng như các hành vi ứng xử, tiếng ồn… nơi công cộng.

Mỗi người khi sống ở chung cư cần có sự tìm hiểu về quy định, tự trang bị cho mình kiến thức văn hóa cơ bản vê cuộc sống trong chung cư.

Hành xử của người dân sống trong chung cư sẽ có những yếu tố thoải mái hơn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi người dân phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định về trật tự, vệ sinh, an ninh an toàn nơi công cộng. Điều này hoàn toàn khác biệt với cuộc sống trong nhà liền kề, nhà phố.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN