Giải phóng mặt bằng: chây ỳ để chờ áp dụng chính sách mới

Cập nhật 07/08/2007 09:00

Đó là một trong những nhận định của Ban chỉ đạo GPMB TP về công tác này trong thời gian qua: Do chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư triển khai áp dụng trong bối cảnh TW đang dự thảo lấy ý kiến để bổ sung, điều chỉnh chính sách tạo nên tâm lý chờ đợi và thậm chí là trây ỳ của người có đất bị thu hồi để chờ áp dụng chính sách mới…

Đến hết tháng 6, trên địa bàn Thành phố có 289 dự án đầu tư phải tổ chức giải phóng mặt bằng, với diện tích 1.612 ha, liên quan đến hơn 36.000 hộ dân, nhu cầu tái định cư 13.314 hộ (trong đó một số dự án lớn được triển khai trong nhiều năm theo phân kỳ đầu tư).

Toàn thành phố đã hoàn thành bàn giao mặt bằng 45 dự án và 29 dự án bàn giao từng phần, với diện tích 175ha, chi trả tiền 714 tỷ đồng, liên quan đến 7.210 hộ dân và bố trí tái định cư 408 hộ. Riêng về thực hiện các dự án theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 6/3/2007 của UBND TP và một số dự án trọng điểm khác thì đã hoàn thành bàn giao 10 dự án, trong đó có 9 dự án bàn giao từng phần, với diện tích 37,9ha, chi trả 277 tỷ đồng cho 1.749 hộ dân và bố trí tái định cư 298 hộ.

Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết, một số địa bàn đạt kết quả khá như các quận Đống Đa, Cầu Giấy, các huyện Từ Liêm, Đông Anh; trong đó có các dự án cơ bản hoàn thành như: Xây dựng HTKT xung quanh Hồ Tây, đường Láng Hoà Lạc, cầu Thanh Trì và đoạn nam vành đai 3, khách sạn 5 sao tại khu E6, trụ sở các tổng công ty... Tuy nhiên diện tích đất bàn giao mặt bằng, bố trí tái định cư đạt kết quả chưa cao.

Trong số 19 dự án (triển khai Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 6/3/2007 của UBND Thành phố) có 9 dự án chưa xong thủ tục để UBND Thành phố ra quyết định thu hồi đất 10 dự án đang triển khai GPMB mới có 4 dự án bàn giao một phần diện tích. Nhiều dự án triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố về tiến độ thực hiện gấp, trong khi các điều kiện về thực hiện như: Thu hồi đất, quỹ nhà đất tái định cư không đáp ứng được yêu cầu tiến độ như các dự án: Đường vành đai 1, đường Văn Cao kéo dài, đường vành đai 3 đoạn qua quận Thanh Xuân... Một số chủ đầu tư được phân bổ quỹ nhà tái định cư nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, trong khi các dự án khác lại phải chờ quỹ tái định cư.

Một số cơ chế chính sách mới khó áp dụng vào thực tiễn

Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP, một số cơ chế chính sách của TW khó áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội.

Chẳng hạn quy định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 NĐ 17/2006 thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch; Mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định…

Ngoài ra, việc bàn giao nhà tái định cư theo quy định khi Luật Xây dựng có hiệu lực đòi hỏi phải có thời gian để hoàn thiện đồng bộ các điều kiện về hạ tầng và kiểm tra chất lượng nhà trong bối cảnh bố trí vốn chưa phù hợp với tiến độ cũng là nguyên nhân để các nhà đầu tư xây dựng nhà tái định cư chậm bàn giao quỹ tái định cư theo đặt hàng. Đồng thời, tính chuyên sâu của đội ngũ tham gia công tác GPMB ở các quận, huyện và một số sở, ngành còn hạn chế ở các mặt về cơ chế chính sách, về chức năng nhiệm vụ, về trách nhiệm phối hợp và giải quyết...

Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh một số chính sách

Từ nay đến cuối năm, công tác GPMB sẽ còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là trong thời hiệu Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ GPMB theo chỉ đạo của UBND TP, Ban chỉ đạo GPMB TP cho rằng, Thành phố cần tiếp tục hoàn chỉnh việc bổ sung, điều chỉnh một số nội dung về chính sách, về trình tự thủ tục GPMB quy định tại Quyết định số 26/2005/QĐ-UB theo quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ và phù hợp với đặc thù của Hà Nội; Rà soát quỹ nhà tái định cư đã phân bổ cho các dự án để hạn chế tình trạng một số chủ đầu tư được phân bổ quỹ nhà tái định cư, nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, trong khi dự án khác có nhu cầu lại không có quỹ nhà; Xây dựng giá bồi thường tài sản vật kiến trúc thay thế Quyết định số 81/2005/QĐ-UB; Hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động của Ban bồi thường GPMB cấp huyện đảm bảo có đủ điều kiện pháp nhân, đội ngũ chuyên sâu để đáp ứng nhiệm vụ theo yêu cầu...

Theo Nguyễn Cao - Kinh Tế & Đô Thị