Giải cứu 223 dự án nhà cao tầng

Cập nhật 02/07/2010 09:10

Hàng trăm doanh nghiệp đang khóc dở mếu dở 223 dự án nhà cao tầng bị “mắc kẹt” ở trung tâm Hà Nội. Hơn nửa năm nay, từ khi Hà Nội được lệnh dừng cấp phép các dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, giải pháp tháo gỡ vẫn còn đang ở dạng... đề xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thiệt hại tiền tỷ do dự án bị đình trệ.


Một dự án nhà cao tầng bị “treo” tại khu vực nội thành Hà Nội

Dừng cả!


Từ đầu năm 2010 tới nay, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng hoặc thỏa thuận kiến trúc - quy hoạch để xây dựng nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) tại các cơ quan chức năng của chính thành phố Hà Nội đều bị từ chối. Theo giải thích của UBND TP Hà Nội, việc dừng này là thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm theo Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009. Theo đó, ngày 31/12/2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 12421/UBND-XD với nội dung: “Sở Xây dựng, UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình kiên quyết dừng ngay việc phá dỡ các nhà biệt thự cũ và cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo đúng quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định”.

Trước hết, phải xác định, đây là một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết bởi sức chịu đựng của hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm Hà Nội, vốn quá tải từ nhiều năm nay, đã lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, điều đó lại khiến hàng trăm doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai dự án nhà cao tầng một cách hợp pháp tại khu trung tâm bị mắc kẹt. Rà soát mới nhất của các cơ quan chức năng thành phố cho thấy, tại khu vực trung tâm Hà Nội (4 quận nội thành cũ có diện tích nghiên cứu khoảng 3.400ha), có tới 223 dự án nhà cao tầng đang triển khai đã bị đình lại. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất, tới 91 dự án. Tiếp đó, quận Ba Đình đứng thứ 2 (60 dự án), quận Hai Bà Trưng (53 dự án) và quận Hoàn Kiếm ít nhất (nhưng cũng lên tới 19 dự án).

Hàng nghìn tỷ đồng bị mắc kẹt

Để được cấp phép xây dựng, DN phải hoàn thiện thủ tục trong khoảng 3-4 năm, thậm chí 6-8 năm;
Phân tích chi tiết của liên ngành thành phố Hà Nội cho biết, các dự án này gồm ba loại. Loại thứ nhất là các dự án phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục về tài chính, đất đai, quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng... Các dự án này cũng được đánh giá là mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Đặc biệt, các dự án này đã được cấp phép xây dựng hoặc đang xin phép xây dựng. Loại hai là các dự án phù hợp quy hoạch và đang hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng. Loại ba là các dự án còn lại, cần được xem xét để rà soát, đảm bảo định hướng phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực đô thị trung tâm. UBND TP Hà Nội khẳng định đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo “dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm” của Thủ tướng Chính phủ, song cũng đã trần tình về một số khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Cũng liên quan tới chủ đề nhạy cảm, xử lý hơn 223 dự án nhà cao tầng đang bị tạm dừng nằm trong nội thành Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có kiến nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang bị đình dự án. Đại diện VCCI cho biết, các doanh nghiệp đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ về bảo tồn khu phố cổ và hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Tuy nhiên, việc tạm dừng đột ngột, dừng thủ tục cuối cùng (cấp phép xây dựng) đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, để đủ điều kiện cấp phép, doanh nghiệp phải hoàn thiện hàng loạt các thủ tục trong khoảng 3 - 4 năm, thậm chí 6 - 8 năm. Đặc biệt, hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào các dự án đang “đóng băng” thực sự là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm phân loại các dự án để xác định xem dự án nào có thể cho tiếp tục triển khai. Đối với các dự án còn lại, cần có biện pháp hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Sẽ được “xả băng”

Cũng có quan điểm tương tự với VCCI, UBND TP Hà Nội vừa có kiến nghị hướng giải quyết mới đối với 223 dự án cao tầng tới Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hà Nội đề nghị phân vùng kiểm soát để quyết định số phận các dự án này. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình cho biết, trên cơ sở phân tích hiện trạng, UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định đối với các dự án công trình cao tầng đã được cấp phép xây dựng, chưa thi công; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc; đã được thỏa thuận quy hoạch và phương án kiến trúc; đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng. Ngoài ra, các dự án đã được trả lời thông tin quy hoạch - kiến trúc, chưa xác nhận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sẽ được thành phố xem xét cụ thể. Cuối cùng, các dự án loại ba và dự án mới cũng sẽ được thành phố xem xét cụ thể trên cơ sở phù hợp quy định phân vùng và định hướng phát triển công trình cao tầng trong khu trung tâm.

91 dự án bị dừng trong khu vực quận Đống Đa;
Ông Phí Thái Bình cho biết, thành phố sẽ kiểm soát cao tầng theo dạng lòng chảo, cao tầng phía ngoài đường vành đai 2 và thấp dần vào trung tâm. Đồng thời, phát triển cao tầng theo các trục giao thông lớn, xuyên tâm, vành đai và giao điểm của các trục này... Liên quan tới phân vùng kiểm soát phát triển cao tầng, UBND TP Hà Nội kiến nghị 4 khu vực đặc thù, không xây dựng cao tầng, gồm khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi các tuyến phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Lê Hồng Phong); khu phố cổ (được giới hạn bởi Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Gầm Cầu, Phùng Hưng, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng); khu hồ Gươm và phụ cận (giới hạn bởi các tuyến Lý Thái Tổ, Nguyễn Hữu Huân, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Trống, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Nhà Chung, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Đặng Thái Thân, Tràng Tiền); khu Thành cổ (giới hạn bởi phố Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú).

Nếu “trót” rơi vào 4 vùng đặc biệt trên, dự án chắc chắn sẽ bị “trảm”. Ngược lại, nếu dự án cao tầng nằm trong 5 khu vực “hạn chế xây dựng nhà cao tầng” và 2 khu vực “phát triển có điều kiện” (phần còn lại của 4 quận nội thành trừ 4 khu vực đặc biệt đã nêu), cơ hội “sống sót” của dự án là khá cao. Tuy vậy, đây mới chỉ là đề xuất ban đầu. Các doanh nghiệp có dự án bị mắc kẹt chắc chắn phải tiếp tục tự huy động nguồn lực để “cầm cự”, chờ tới ngày có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân