Trong vòng 1 năm, Chính phủ ban hành tới 2 nghị quyết nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP, đủ biết việc này "nóng" đến mức nào.
Trong Nghị quyết 48 (ngày 30/8/2007) về điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở theo Nghị định 61/CP, Chính phủ quyết định sẽ áp dụng giá bán và giá thuê mới đối với loại nhà này kể từ ngày 1/1/2008.
Bán nhà biệt thự phải được Chính phủ đồng ý
Tình trạng nhà bán mà như... cho sẽ không còn vì Nghị quyết 48 quy định: đối với nhà riêng lẻ có khả năng sinh lời cao tại vị trí mặt đường, mặt phố sẽ áp dụng giá bán do UBND tỉnh, thành phố xây dựng tại thời điểm bán. Có nghĩa rằng, những nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở những vị trí đẹp không được tổ chức bán theo cơ chế và phương thức giá của Nghị định 61.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà giải thích, quy định này nhằm đảm bảo công bằng trong việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, đồng thời tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Giá bán nhà phải được xây dựng và cập nhật căn cứ trên giá giao dịch thực tế trên thị trường tại khu vực tương tự. "Những hộ đang ở nhà loại này không có nhu cầu mua vẫn tiếp tục được thuê, và sẽ áp dụng giá thuê mới kể từ 1/1/2008", ông Hà nói.
Riêng đối với các biệt thự sẽ có chế độ quản lý khác mà theo đó, UBND tỉnh, thành phố (chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM) phải lập phương án và trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi thực hiện. Hiện Hà Nội có 799 biệt thự công, trong đó có 200 biệt thự đang sử dụng làm trụ sở cơ quan, đối ngoại; 43 biệt thự thuộc loại không được bán (20 nhà công vụ, 14 biệt thự tại Trung tâm Ba Đình và 9 biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt).
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố Hà Nội còn 124 biệt thự chưa bán do người thuê không nộp hồ sơ. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Vũ Văn Hậu cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất chính sách sử dụng và bán biệt thự. Trong đó, đề nghị tiếp tục cho bán khi người thuê nhà có nhu cầu đối với những biệt thự có từ 3 hộ sử dụng trở lên, đan xen sở hữu tư nhân và quản lý nhà nước, không còn giữ được kiến trúc nguyên thủy. Riêng đối với những biệt thự chỉ có 1 - 2 hộ sử dụng, Hà Nội kiến nghị khi bán phải báo cáo từng trường hợp cụ thể để xin ý kiến Thủ tướng.
Giá thuê nhà sẽ tăng
Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cho biết, cuối tháng 9 Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành khung giá cho thuê nhà mới đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước chưa cải tạo, xây dựng lại và sẽ áp dụng từ 1/1/2008. Ông Hà nói: "Mức giá hiện nay được xây dựng từ năm 1992 đã trở nên lạc hậu và sẽ phải điều chỉnh căn cứ tương ứng với tiền lương cơ bản và khung giá nhà xã hội theo Nghị định 90". Quyết định 118 (ngày 27/11/1992) quy định giá thuê nhà theo Nghị định 61 (cấp 3) trung bình là 1.350 đồng/m2; trong khi đó giá thuê nhà cùng hạng trên thị trường hiện nay là khoảng 50.000 đồng/m2. Lương cơ bản cũng đã tăng từ 120.000 đồng năm 1992 lên 450.000 đồng hiện nay nên các chuyên gia nhận định giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước có thể sẽ được điều chỉnh tăng tối thiểu 3 - 4 lần so với mức giá hiện hành. Ông Hà cho biết, khung giá sẽ được xây dựng phù hợp với từng đối tượng và căn cứ trên chất lượng và cấp hạng nhà ở.
Theo Cục Quản lý nhà, hiện cả nước còn khoảng 64.500 căn nhà thuộc diện được bán, nhưng chưa bán tương đương với 18,6% tổng số nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo Tuyết Nhung - Thanh Niên