Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được các quận ráo riết triển khai với 96% số hộ bị ảnh hưởng đã có quyết định bồi thường.
Sơ đồ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Đồ họa: VÕ NGUYÊN
Theo Ban quản lý dự án đô thị TP.HCM (MAUR), Chỉ thị số 25 của Thành ủy TP yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 1 và 2. Trong đó, tuyến metro số 2 cơ bản phải hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) trong tháng 6.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác GPMB chưa thể thực hiện được như kế hoạch được giao, hiện UBND các quận tiếp tục vận động người dân để công tác này mau chóng hoàn thành.
Các quận triển khai bàn giao mặt bằng
Quận Tân Bình là một trong các địa phương tích cực triển khai bồi thường và bàn giao mặt bằng cho MAUR. Trong tháng 6, quận Tân Bình đã chính thức bàn giao ga S10 (Phạm Văn Bạch) và S11 (ga trên cao Tân Bình). Đồng thời, quận Tân Bình cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục và chuẩn bị bàn giao mặt bằng tại các vị trí khác.
Ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết quận là một trong những địa phương có tuyến metro số 2 đi qua, đồng thời cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất (khoảng 60%). Tuy nhiên, qua quá trình vận động người dân cùng chung tay xây dựng tuyến metro số 2 thì đến nay quận đã bàn giao được hai ga. Trong tháng 7, quận sẽ tiếp tục bàn giao thêm một ga nữa cho MAUR.
Ông La cho biết thêm, hiện có 350 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ, một số ít chưa đồng thuận là do còn thắc mắc về đơn giá bồi thường, pháp lý sử dụng nhà đất, phương án thiết kế nhà ga…
“Song thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục phối hợp với các phường để vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư. Đồng thời, UBND quận đã chỉ đạo hội đồng bồi thường của dự án tiếp tục tổ chức mời người dân cùng làm việc để chi trả bồi thường theo quy định” - ông La nói.
Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết trên địa bàn phường có ga S7 giao lộ giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Trường Chinh. Đây là một khu đất vàng, có giá trị lớn, song UBND phường đã vận động được 50/75 hộ bị ảnh hưởng đồng thuận và nhận tiền bồi thường. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục vận động những hộ còn lại để góp phần kịp tiến độ triển khai dự án.
Về phía quận 10, mới đây UBND quận và MAUR đã tiến hành kiểm tra thực địa, thực hiện các thủ tục bàn giao mặt bằng xây dựng nhà ga S5 - Lê Thị Riêng. Theo đó, mặt bằng bị ảnh hưởng có diện tích hơn 2.300 m2 đã được giải phóng xong, sẵn sàng để UBND quận 10 bàn giao cho MAUR di dời hạ tầng kỹ thuật, triển khai thực hiện dự án.
Tương tự, đại diện UBND quận 12 cho hay trên địa bàn quận có 11 trường hợp bị ảnh hưởng. Theo đó, 11 hộ dân này đã đồng thuận và nhận quyết định bồi thường đã ban hành. UBND quận đang làm các thủ tục để bàn giao mặt bằng.
MAUR cho biết đến nay các quận đã ban hành 576 quyết định bồi thường đối với các hộ bị ảnh hưởng (tổng số hộ bị ảnh hưởng là 602), đạt tỉ lệ 96%.
Về kế hoạch GPMB tiếp theo, MAUR cho biết UBND TP đã giao UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú chủ động phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn tất công tác bồi thường, GPMB và bàn giao mặt bằng cho MAUR trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2026
Theo MAUR, tuyến metro số 2 được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu thiết thực trong việc đi lại của người dân từ trung tâm TP về phía tây bắc và ngược lại. Do đó, các công tác quan trọng như GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật cần được mau chóng hoàn thành để không ảnh hưởng tiến độ dự án.
Về kế hoạch di dời hạ tầng kỹ thuật, đại diện Ban quản lý dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 cho biết dự án sẽ được triển khai di dời hạ tầng viễn thông, điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh vào đầu năm 2021. Sau đó, đơn vị sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính triển khai thi công năm 2021 và hoàn thành dự án vào năm 2026.
Về vấn đề trên, mới đây UBND TP đã giao MAUR khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan di dời hạ tầng kỹ thuật theo phương án đã được thống nhất.
Đồng thời, UBND TP cũng giao Sở GTVT khẩn trương tham mưu, hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng công trình trong hành lang an toàn tuyến metro số 2 theo quy định, bảo đảm tính khả thi và an toàn trong quá trình thi công và khai thác vận hành.
Ngoài ra, UBND TP giao MAUR khẩn trương làm việc với các nhà tài trợ, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính để xây dựng và đề xuất thống nhất phương án tài chính tối ưu của dự án.
MAUR cho biết dự án metro số 2 sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và các tuyến sẽ triển khai như số 5, số 3b, số 4 và số 6. Từ đó tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách dọc theo trục đông - tây vào trung tâm TP.
Metro 2 sẽ thúc đẩy nhiều khu đô thị phát triển
Tuyến metro số 2 có tổng chiều dài hơn 11 km, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Toàn tuyến có 11 nhà ga gồm 10 ga ngầm và một ga trên cao. Tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 47.000 tỉ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng nguồn ngân sách nhà nước.
Dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2026.
Theo MAUR, tuyến metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh hai khu đô thị mới của TP là Thủ Thiêm và Tây Bắc Củ Chi. Từ đó góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO