Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng TP.HCM đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư trống.
Hàng nghìn căn hộ tái định cư tại TP.HCM bị bỏ trống nhiều năm nay
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong số những căn hộ và nền đất này có hơn 2.000 căn hộ đang chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai, gần 4.800 căn hộ đang chờ bán đấu giá.
Lãng phí hàng chục nghìn căn hộ
Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) có gần 1.000 căn hộ tái định cư để trống; chung cư Tân Mỹ (quận 7) có 220 căn bỏ trống; quận Bình Thạnh còn trống 470 căn hộ tái định cư chưa bàn giao thực tế; một chung cư ở quận 12 có 320 căn bỏ trống.
Khu tái định cư Bình Khánh còn trống hơn 5.300 căn hộ tái định cư thuộc các lô từ R1 đến R7 với diện tích hơn 38ha. UBND TP.HCM đã có chủ trương bán đấu giá gần 1.000 căn tại khu tái định cư Vĩnh Lộc và 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm.
Cho biết có nhiều căn hộ tái định cư được bán đấu giá tới 2 lần nhưng vẫn không có người mua, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói thêm, nguyên nhân do số lượng căn hộ quá lớn nên lần bán đấu giá tới sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, trong năm 2020, khoảng 71 tỷ đồng là số tiền chi để duy tu bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư để trống này.
Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ trống là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư.
Còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống trong Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh
Theo ông Tuấn, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.
“Sau này khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân”, ông Tuấn nói.
Thay đổi chính sách tái định cư
Ông Tuấn cũng thừa nhận tình trạng căn hộ tái định cư dôi dư hiện nay có tính lịch sử. 20 năm trở lại đây TP.HCM thực hiện hàng trăm dự án và không phải dự án nào cũng sử dụng hết quỹ nhà, có dự án thiếu, có dự án thừa, rồi cộng dồn lại thành ra con số hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP cũng tính toán và đề xuất với Trung ương cho phép chuyển sang hình thức khác. Để thu hồi vốn nhanh, đưa những căn nhà dôi dư hoạt động có hiệu quả TP đã xin ý kiến chuyển đổi thành nhà thương mại.
Ông Võ Văn Hoan chia sẻ: “Dĩ nhiên chuyển đổi sang nhà thương mại chúng ta cần tính lại giá đất, tính lại suất đầu tư… và đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Cần phải làm thành công để đưa sản phẩm này vào thị trường cung ứng thêm cho nhu cầu thương mại.”
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chỉ rõ, cần có chính sách tái định cư nhưng không nên có nhà tái định cư. Chính sách tái định cư là lấy đất thì phải bồi thường tái định cư cho người dân. Còn nhà tái định cư hiện nay theo kiểu chỉ định địa điểm trong khi đó có thể địa điểm được chỉ định lại chưa phù hợp với người dân.
“Nhà tái định cư là loại nhà chỉ cho người tái định cư ở mà họ không ở thì cũng chẳng làm gì được. Chúng ta nên tính tái định cư bằng tiền, để người dân tự tìm chỗ ở để mưu sinh chứ không cần làm thay, quyết định thay người dân”.
Cũng theo chuyên gia này, cần quy được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện những dự án tái định cư không hiệu quả, không phù hợp nguyện vọng của người dân gây lãng phí nguồn đầu tư.
Cũng cần có giải pháp chuyển những nhà tái định cư đang bỏ không sang nhà ở thương mại giá rẻ để bán thu hồi vốn đầu tư, cũng có thể đem đấu giá.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN