Được thế chấp nhà "trên giấy" để vay gói ưu đãi

Cập nhật 13/06/2014 08:33

Ngày 16/6 tới, người dân được thế chấp ngay căn nhà sắp hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo khi vay gói ưu đãi 30.000 tỷ. Quy định mới này được kỳ vọng sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho người dân được sở hữu nhà ở.

Từ 11/6, hợp đồng mua những căn hộ ở các dự án đã xong phần móng được coi là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng

Gỡ vướng cho người nghèo

Gia đình anh Tuấn, chị Thủy đến từ Ninh Bình đã thuê một căn nhà nhỏ tại phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội để sinh sống từ 5 năm nay. Nhiều lần, anh Tuấn đã làm hồ sơ vay vốn mua nhà, nhưng do chị Thủy làm kế toán cho một công ty tư nhân, còn anh mở cửa hàng cắt tóc, nên không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy hai vợ chồng anh chị có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, nhưng không có tổ chức, đoàn thể đứng ra xác nhận, lại không có tài sản đảm bảo nên phía ngân hàng không cho vay. “Chúng tôi đã dành dụm được gần 300 triệu đồng rồi, nhưng không xoay đâu ra nguồn vay thêm để mua nhà. Nay tôi hy vọng sẽ được vay vốn để mua căn chung cư nhỏ”, anh Tuấn nói.

Thừa nhận thực trạng người thu nhập thấp có nhu cầu vay mua nhà nhưng không có tài sản đảm bảo, bị ngân hàng từ chối vì “không có gì thế chấp”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thông tư 01 sẽ góp phần tháo gỡ “rào cản” này. Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng, quy định cho thế chấp nhà “trên giấy” là bước đột phá lớn của Bộ Xây dựng trong giải quyết an sinh xã hội, vì sẽ giúp người nghèo, người thu nhập thấp sớm có căn nhà đầu tiên.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tin tưởng quy định cho thế chấp nhà “trên giấy” sẽ giúp người có nhu cầu mua nhà dễ dàng vay được tiền, từ đó doanh nghiệp bất động sản sẽ bán được hàng, sớm có thêm vốn tích lũy để hoàn thiện dự án, tạo sự khởi sắc cho toàn bộ ngành Bất động sản.

Rủi ro không cao

Ở góc độ ngân hàng, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á cho rằng, đây là một quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người vay mua nhà. Phía ngân hàng khi thẩm định điều kiện vay sẽ coi căn nhà mà người có nhu cầu vay đã ký hợp đồng chính là tài sản đảm bảo khoản vay. Mỗi ngân hàng sẽ có một phương thức thẩm định điều kiện vay khác nhau, tuy nhiên sẽ thuận lợi hơn nếu khách mua căn hộ của dự án nào thì tìm đến vay tại các ngân hàng mà chủ đầu tư dự án đó đã ký thỏa thuận hợp tác.

TS. Kiêm cũng cho rằng, giống như mọi khoản vay khác, thế chấp “nhà trên giấy” có thể có rủi ro, nhưng là một phần nhỏ. Trường hợp rủi ro xấu nhất là như người mua không đủ tiền đóng theo tiến độ hợp đồng hoặc chủ đầu tư không thể hoàn thiện dự án, thì ngân hàng có thể đứng ra triển khai bằng cách cho chuyển nhượng, đấu giá hoặc thanh lý…Một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khi chấp nhận tài sản thế chấp là căn nhà “trên giấy”, ngân hàng lo nhất rủi ro nếu vì lý do nào đó, hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư với người mua bị chấm dứt. Lúc đó, ngân hàng sẽ khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt trong trường hợp khách vay mất khả năng trả nợ. Bởi nếu tài sản thế chấp đó có vị trí đẹp, tiến độ thi công và chất lượng tốt thì không lo nợ xấu, nhưng nếu dự án ở xa, tiến độ xây dựng chậm, thì sẽ khó bán để thu hồi vốn...

Theo Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT do liên bộ ban hành, nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp phải có đủ điều kiện: Đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt; Đã xây dựng xong phần móng nhà ở; Đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua, nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật; Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...


DiaOcOnline.vn - Theo GTVT