Đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây đã khiến áp lực đô thị tăng cao, như thiếu trường học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí..., tạo sức ép lớn cho nhiều ngành, lĩnh vực.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Vấn đề này lại càng đáng lo ngại trước thực tế, các khu đất của những cơ quan, xí nghiệp trong chủ trương di dời ra khỏi nội đô Hà Nội vẫn biến thành những tòa nhà cao tầng.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô, trong đó có nội dung, trong 6 năm thi hành Luật Thủ đô, tiến độ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Điều 15 Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Ví dụ như trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội… Nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, song tựu chung lại do phần lớn đơn vị sử dụng cũ muốn giữ lại. "Tấc đất, tấc vàng nên không mấy ai muốn từ bỏ quỹ đất quý giá ấy" - một chuyên gia nhìn nhận. Vị này cũng cho rằng, sòng phẳng mà nói, chính quyền Hà Nội chưa kiên quyết, còn có sự nể nang nên thiếu những kiến nghị mạnh mẽ để được giữ đất thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Thêm nữa, việc thực hiện quy hoạch chưa thực sự nghiêm túc, bởi vẫn có trường hợp điều chỉnh quy hoạch. Đó là câu chuyện lợi ích. Nó dẫn tới hệ lụy đã và đang diễn ra, là tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học...
Chủ trương và những biện pháp để di dời các trường học, bệnh viện và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đã có. TP Hà Nội cũng đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện TP đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành. Việc cần làm là thực hiện theo đúng lộ trình.
Ví như, đối với các bệnh viện và cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ quan chức năng đã phân loại mức độ ô nhiễm, cơ sở nào ô nhiễm mức cao sẽ phải dịch chuyển trước, sau khi ổn định sẽ tiếp tục thực hiện các cơ sở còn lại. Đối với hệ thống đào tạo, di dời hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường nghề thực hiện trước.
Lợi thế của Hà Nội là sau khi mở rộng địa giới hành chính có thêm nhiều quỹ đất, nổi bật như khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, hiện đã được đầu tư hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, có thể phát triển thành một trung tâm đào tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chung tay thực hiện di dời; không kiên quyết giữ đất xây dựng các công trình công ích lại dồn nhà cao tầng vào đó, thì sẽ không có hạ tầng nào có thể giải quyết được bài toán áp lực đô thị hiện nay.
Vẫn biết, để phát triển đô thị, không thể cấm điều chỉnh quy hoạch, song sự điều chỉnh phải trên cơ sở bảo đảm hạ tầng đô thị để cư dân có cuộc sống tốt hơn và đô thị phát triển bền vững, chứ đừng để "những bàn tay vô hình" tác động vào vì lợi ích trước mắt.
DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT