Đúng luật và bảo đảm thông thoáng

Cập nhật 14/06/2011 08:40

Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) thay thế Quyết định (QĐ) số 43/2008/QĐ-UBND đã không còn phù hợp, để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Quy định được xây dựng trên cơ sở đúng luật và bảo đảm thông thoáng theo yêu cầu cải cách hành chính.

Tăng cường phân cấp cho quận, huyện

Dự thảo quy định mới gồm 4 chương, 31 điều, được soạn thảo trên cơ sở kế thừa QĐ số 43/2008/QĐ-UBND và được bổ sung các nội dung mới theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Thông tư hướng dẫn thi hành số 23/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp và thực tiễn công tác ĐGQSDĐ nhiều năm qua của Hà Nội.


Hà Nội sẽ có quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Trung Kiên

Trong nhiều cuộc họp về công tác ĐGQSDĐ do UBND TP tổ chức thời gian qua, những nội dung được quan tâm nhất là vấn đề phân cấp tổ chức đấu giá; phân bổ nguồn thu từ đấu giá; công nhận kết quả đấu giá và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, việc phân cấp tổ chức đấu giá là cần thiết, nhằm phân định rõ quy mô dự án mức nào thì TP đứng ra tổ chức, quy mô nhỏ mức nào thì thuộc thẩm quyền của quận, huyện, thị xã. Do đó, trong dự thảo mới, các khu đất trên 5ha để xây dựng công trình và trên 2ha để xây dựng nhà chung cư sẽ thuộc thẩm quyền TP; quy mô nhỏ hơn do quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các khu đất đấu giá sẽ phân cấp theo hướng trên. Về công nhận kết quả và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TP chịu trách nhiệm cấp giấy cho các tổ chức, đơn vị trúng đấu giá; quận, huyện, thị xã cấp cho cá nhân. Đây là chủ trương của TP nhằm tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực ĐGQSDĐ.

Liên quan đến phân chia nguồn thu từ đấu giá đất, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển nhấn mạnh, tỷ lệ phân chia phải căn cứ theo nghị quyết của HĐND TP. Nếu có sửa đổi cũng phải được HĐND TP thông qua trước khi quyết định.

Riêng với vướng mắc về quy hoạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Hậu kiến nghị, những khu đất nằm trong kế hoạch đấu giá, nếu chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt thì cho phép sử dụng quy hoạch tổng mặt bằng của dự án làm cơ sở thu hồi đất. Điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Tán đồng với kiến nghị này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Tuấn Định cho biết, toàn bộ 401 xã của Hà Nội hiện đều chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt. Mà không có quy hoạch chi tiết thì không có cơ sở để cấp chỉ giới đường đỏ. Nếu cứ cứng nhắc sẽ không thể tổ chức đấu giá được.

Sẽ phức tạp nếu thuê đấu giá viên chuyên nghiệp


Đó là nhận định của hầu hết lãnh đạo các sở, ngành và đại diện quận, huyện khi bàn về công tác ĐGQSDĐ. Theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập theo quy định của pháp luật về đất đai khi thực hiện việc ĐGQSDĐ phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để điều hành phiên đấu giá. Bà Trương Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: lực lượng đấu giá viên của ngành tư pháp từ trước đến nay chưa thực sự chuyên sâu về ĐGQSDĐ, bởi đây là lĩnh vực khá mới mẻ. Lực lượng này hiện còn khá mỏng, sẽ khó đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như tiến độ tổ chức đấu giá.

Đại diện nhiều quận, huyện băn khoăn, hầu hết các địa phương đều có Hội đồng ĐGQSDĐ với đầy đủ thành phần. Hội đồng này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong suốt quá trình tổ chức đấu giá, thu tiền trúng đấu giá và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, nếu thuê đấu giá viên đến điều hành, Hội đồng của địa phương sẽ trở nên thừa và mọi chuyện càng trở nên phức tạp.

Trước những ý kiến băn khoăn nói trên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, các sở, ngành và đơn vị liên quan cần tiếp tục góp ý, bổ sung vào dự thảo trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật nhưng phải thông thoáng theo yêu cầu cải cách hành chính. Riêng với vướng mắc trong việc mời đấu giá viên chuyên nghiệp tham gia, TP sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp và Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội. Bởi lẽ, không thể một tổ chức đấu giá quy mô lớn với những đấu giá viên chuyên nghiệp lại đi điều hành một phiên đấu giá đất xen kẹt ở nông thôn, vừa lãng phí, vừa phức tạp. Đã phân cấp cho quận, huyện thì quận, huyện phải chủ động triển khai và chịu mọi trách nhiệm về pháp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới