Dùng đất sạch, trụ sở Nhà nước thanh toán dự án BT: Phải được Thủ tướng đồng ý

Cập nhật 19/08/2019 08:00

Theo Nghị định mới ban hành, với đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, đền bù) và trụ sở làm việc của cơ quan nếu được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thay vì để cho UBND tỉnh tự quyết như trước kia.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo hình thức đấu thầu, tài sản công thanh toán sau khi dự án hoàn thành hoặc theo tiến độ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT). Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2019.

Thông tin về những điểm mới của Nghị định 69, tại buổi họp báo chuyên đề chiều 16/8, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, đầu tiên phải kể tới là thời điểm thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

"Thời điểm thanh toán khác là nhà nước sẽ giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi dự án BT đã hoàn thành hoặc giao đồng thời theo tiến độ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật", ông Thịnh cho biết.

Thời điểm thanh toán từng được đánh giá là một trong những lỗ hổng tại các dự án BT. Ví dụ như việc chuyển giao đất, trong trường hợp được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, thậm chí còn trước khi dự án được bắt đầu. Giá đất tại thời điểm chuyển giao thường rất thấp, bởi phần lớn còn là đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi có công trình, đất quanh khu vực này bỗng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị với giá trị tăng cả chục, cả trăm lần. Điều này vô hình khiến nhà đầu tư hưởng lợi, trong khi Nhà nước nguy cơ thất thu một phần ngân sách.

Ông Thịnh cũng cho biết, theo Nghị định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo hình thức đấu thầu rộng rãi đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT phải tương đương với giá trị tài sản công thanh toán.

"Ví dụ khi địa phương cần xây dựng một cây cầu có giá trị 200 tỷ đồng thì mảnh đất được mang ra đổi cũng phải có giá trị tương đương. Nếu giá trị mảnh đất cao hơn giá trị công trình thì nhà đầu tư phải trả phần chênh lệch (bằng tiền mặt) cho ngân sách. Còn ngược lại thì ngân sách sẽ bù tiền cho nhà đầu tư", ông Thịnh nói.

Nghị định cũng quy định, giá trị tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định theo giá thị trường, còn giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu rộng rãi. Quy định này nhằm xử lý dứt điểm các lo ngại trước đây như chỉ định thầu công trình hay thanh toán cho nhà đầu tư tài sản công vượt quá giá trị của công trình.

Đáng chú ý, đối với tài sản công dùng để thanh toán, có 4 loại gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn với đất (trụ sở làm việc); tài sản là kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích người dân, quốc gia; cuối cùng là các tài sản khác.

Đại diện Bộ Tài chính lưu ý, riêng với đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, đền bù) và trụ sở làm việc của cơ quan nếu được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Các trụ sở của các cơ quan Nhà nước vốn nằm ở vùng đô thị lớn nên lợi thế thương mại của đất cao. Chủ tịch tỉnh không được tự quyết nếu không được Thủ tướng chấp thuận. Đây là nội dung cần được thống nhất với nhau về thẩm quyền bởi trước đây giao quyền này cho UBND tỉnh”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Một điểm mới nữa là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước. Điều này có nghĩa là nguồn lực để thực hiện dự án BT cũng được coi là nguồn từ ngân sách, chỉ là không phải bằng tiền mặt mà là bằng các tài sản khác.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí