Dự luật Thuế nhà đất mới đạt được 1 trong 5 mục tiêu

Cập nhật 05/09/2009 10:10

TS. Phạm Sỹ Liêm.
 

Tại phiên họp thứ 23 tới đây, ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế nhà đất. Đánh giá chung, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Dự luật không đạt được 4 trong 5 mục tiêu mà Bộ Tài chính đặt ra.

* Dựa vào đâu mà ông cho rằng, Dự thảo Luật Thuế nhà đất chỉ có thể đạt được mục tiêu “tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà đất”, còn 4 mục tiêu còn lại đều không đạt được?

Có rất nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là Bộ Tài chính đề xuất mức thuế đối với nhà đất quá thấp. Theo Dự thảo mới nhất, thì nhà có giá trị trên 600 triệu đồng mới phải nộp thuế theo mức 0,03% của phần vượt trên 600 triệu đồng. Diện tích đất trong hạn mức phải nộp theo thuế suất 0,03%; phần diện tích vượt quá hạn mức, nhưng không quá 3 lần phải nộp thuế theo thuế suất 0,06% và phần diện tích vượt quá 3 lần hạn mức mới phải nộp theo mức 0,09%.

Với mức thuế quá thấp như thế, chắc chắn không khuyến khích được việc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả; không góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản và tất nhiên không thể động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà đất, nhất là người sở hữu nhiều nhà đất vào ngân sách.

* So với thuế suất hiện hành, mức thuế mà Bộ Tài chính đề xuất đã tăng đáng kể, cũng góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản, thưa ông?

Hiện chưa có khái niệm rõ ràng về đầu cơ bất động sản. Nếu cho rằng, nhà đất mà tổ chức, cá nhân mua nhưng không sử dụng là hành vi đầu cơ, cần phải đánh thuế, thậm chí đánh thuế thật nặng, thì không phù hợp, vì nhà đất chưa sử dụng có rất nhiều nguyên nhân.

Ví dụ, nhà đầu tư đã hoàn thiện công trình, nhưng do giá xuống thấp, thị trường trầm lắng, không thể bán được hoặc bán bị lỗ mà cho là đầu cơ để đánh thuế thì “chết” nhà đầu tư. Hoặc khi tích cóp được một khoản tiền, người dân Việt Nam thường mua thêm một vài căn nhà, mảnh đất, để sau này cho con cái ra ở riêng, nếu cho đây là hành vi đầu cơ để đánh thuế, thì cũng không phù hợp với đạo lý.

* Nhưng thưa ông, trên thực tế, hành vi đầu cơ của một số tổ chức, cá nhân đã và đang khiến thị trường bất động sản bị méo mó?

Tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản là có và tôi đồng tình với quan điểm phải hạn chế tình trạng này, nhưng phải phân biệt thế nào là đầu cơ, tránh đánh thuế nhầm những trường hợp nêu trên. Nếu phát hiện đúng là đầu cơ, thì cần phải đánh thuế thật nặng, ít nhất cũng phải bằng mức thuế như đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính là nhà có giá trị từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng áp mức thuế 0,05%; nhà có giá trị trên 1,2 tỷ đồng áp mức thuế 0,1% đối với phần vượt trên 1,2 tỷ đồng; diện tích đất trong hạn mức áp thuế 0,05% và phần vượt hạn mức áp thuế 0,1%.

* Thuế nhà đất tác động đến tất cả mọi đối tượng trong xã hội, vì vậy việc Bộ Tài chính điều chỉnh giảm các mức thuế suất so với dự kiến ban đầu là nhằm không gây xáo trộn cho các tổ chức, cá nhân phải nộp thuế?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp mức thuế như ban đầu, thì hầu hết nhà ở tại khu vực nông thôn và đại bộ phận nhà ở đô thị đều không phải nộp thuế (vì đều có giá trị dưới 600 triệu đồng).

Trong khi đó, hàng năm, khoản thu về đất đem về cho ngân sách khoảng 1.457 tỷ đồng, trong đó 88% là số thu từ đất ở đô thị. Điều đó có nghĩa là, nếu áp theo mức thuế suất đó, thì Luật Thuế nhà đất cũng không gây tác động mạnh đến đại bộ phận người dân.

* Nhưng một bộ phận người dân sẽ phải nộp thuế đất cao hơn nhiều lần hiện nay?

Ba mục tiêu hàng đầu của các sắc thuế là điều tiết thu nhập, tạo nguồn thu cho ngân sách và bảo đảm công bằng xã hội. Cá nhân sở hữu nhiều nhà đất tức là thuộc diện có thu nhập cao, thì Nhà nước cần phải điều tiết thu nhập và sử dụng số tiền này để giúp đỡ các đối tượng chính sách sẽ bảo đảm công bằng xã hội.

Trước đây, thu nhập của người dân thấp, thì chúng ta đánh thuế thấp để khoan sức dân, nhưng hiện nay thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1.000 USD/năm, Nhà nước cần phải tăng thu mới có tiền để điều chỉnh lương tối thiểu, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo cho sự nghiệp y tế, giáo dục…


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư