Dự án luật quy hoạch đô thị: Chưa diệt được “virus” làm méo mó quy hoạch

Cập nhật 24/03/2009 01:40

Nếu dự luật được thông qua thì ngoài kiến trúc sư, chắc chẳng người dân nào đọc.

Tại hội thảo góp ý dự án Luật Quy hoạch đô thị do Hội Kiến trúc sư TP.HCM và Trường đại học Kiến trúc TP.HCM tổ chức hôm qua (23-3), nhiều kiến trúc sư cho rằng nếu được thông qua, dự luật này không thể đi vào cuộc sống.

Dự luật như giáo trình

Có nhiều lý do để các kiến trúc sư chê dự luật chưa “ngon”. Kiến trúc sư Trịnh Kim Như lên tiếng: “Dự thảo chưa ra chất luật mà như một đề cương trong giáo trình vậy. Nhà soạn thảo nên đặt ra các câu hỏi và phải trả lời cho bằng được: Do đâu mà quy hoạch bị méo mó? Luật phải nắn làm sao cho hết méo? Luật cũng phải nêu rõ là quy hoạch phải công khai, tránh việc các nhà quy hoạch cứ ấp a ấp úng, làm lợi cho một số ít người mà lại có lỗi với dân. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và các TP khác đều méo mó hết, vậy cách nào để dẹp được loại virus làm méo mó này?”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Việt thì cho rằng dự luật chưa thực sự quan tâm đến người dân. “Nếu dự luật được thông qua thì ngoài kiến trúc sư, chắc chẳng người dân nào đọc. Quy hoạch mà luật đề cập không phải là quy hoạch dành cho dân. Quy hoạch về xây dựng đô thị mà không nói gì về đất đai, môi trường...”. Sau đó, kiến trúc sư Việt kết luận: “Tôi thấy các nước khác không có luật này. Tôi hoàn toàn phản đối”.

Tuy nhiên, không đồng tình, kiến trúc sư Lương Anh Dũng cho rằng các nước khác không có “Vì có thể người ta lồng ghép vào các luật khác và trình độ dân trí ở họ cao. Còn ở ta, nếu không có thì dễ dẫn đến tình trạng dân làm liều. Nhất thiết phải có luật vì quy hoạch là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược. Chỉ có điều là đọc hết dự luật mà tôi không biết nếu làm sai thì dựa vào đâu để xem xét xử lý”.

Tranh luận về tái lập kiến trúc sư trưởng?


Vấn đề tái lập cơ chế kiến trúc sư trưởng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều. “Có nước nào trên thế giới có kiến trúc sư trưởng nữa đâu? Và ai là người có đủ năng lực để làm kiến trúc sư trưởng? Ngày trước, Hà Nội và TP.HCM lập kiến trúc sư trưởng nhưng sau cũng phải bỏ rồi. Một thiết chế đã phá sản mà bây giờ lại đưa vào luật, liệu có nên không?” - kiến trúc sư Nguyễn Hồng Việt gay gắt. Không hẳn đồng tình nhưng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cũng băn khoăn: “Trừ Liên Xô cũ thì không có nước nào có kiến trúc sư trưởng, mà dự luật cũng quy định rất chung chung”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại ủng hộ việc tái lập kiến trúc sư trưởng. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng nếu không có kiến trúc sư trưởng, bộ mặt đô thị sẽ bị vỡ và rối, không bản sắc mà Đà Lạt là một ví dụ xót xa. Nguyên kiến trúc sư trưởng TP, ông Lê Văn Năm, cũng cho rằng nên có kiến trúc sư trưởng nhưng “không nên hiểu kiến trúc sư trưởng là một người mà có thể là cả một bộ máy (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng) để giúp chính quyền trong quy hoạch đô thị”.

Kiến trúc sư Lương Anh Dũng nhấn mạnh: “Đã giao nhiệm vụ thì phải giao quyền tương đương để tiếng nói của kiến trúc sư trưởng có trọng lượng”. Có lẽ ý kiến của kiến trúc sư Trang Bảo Sơn - Phó Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm là công bằng nhất: “Tại sao không tổng kết thời kiến trúc sư trưởng đã làm được những gì, không được những gì? Làm rõ được việc này thì sẽ giải quyết được câu hỏi có nên tái lập kiến trúc sư trưởng hay không”.

Công khai, tham vấn cộng đồng, độc lập


Theo kiến trúc sư Trang Bảo Sơn, quy hoạch thì chắc chắn phải đụng chạm đến quyền lợi của người dân. Do vậy, luật phải làm sao điều chỉnh được lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích của người dân sống trong vùng quy hoạch. Ông Lê Văn Năm cho rằng khi làm quy hoạch thì nên hỏi ý kiến người dân nhưng chỉ nên nghe dân “có mức độ”, còn nhà quản lý cũng phải có chính kiến của mình chứ không nên chùn tay. “Nếu chùn tay thì không thể làm tốt công tác quy hoạch được” - ông Năm nói.

Ý kiến của kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, giảng viên khoa Quy hoạch Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, được nhiều người đồng tình: “Quyền lợi của người dân bị xâm phạm thì họ mới kêu. Nên lập những tổ chức tham vấn cộng đồng độc lập với chính quyền để giúp người dân nói lên tiếng nói của họ”. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cũng thắc mắc: “Dự luật quy định phải lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị thì nhân dân ở đây là nhân dân nào, cử tri là cử tri nào? Theo tôi, nên sửa lại thành “công khai về quy hoạch đô thị để trưng cầu ý kiến”.

Theo kiến trúc sư Võ Thành Lân, về nội dung tuân thủ quy hoạch đô thị nên có hẳn một chương (thay vì một điều như dự luật), trong đó nêu rõ những biện pháp chế tài. Có như vậy thì người ta mới tuân thủ quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất thì lưu ý nhà nước nên bỏ kinh phí ra làm quy hoạch chứ không nên quy định “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị” như dự luật.

Đến sáu giờ chiều mà nhiều đại biểu vẫn còn muốn tham gia góp ý, cuối cùng bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, đại biểu Quốc hội, phải tạm tổng kết: “Đã tổ chức ba buổi lấy ý kiến đóng góp cho dự luật này nhưng chúng tôi vẫn thấy chưa đủ. Từ nay đến kỳ họp Quốc hội vào đầu tháng 5, cá nhân, tổ chức nào có ý kiến thì gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP, chúng tôi sẽ tập hợp để chuyển đến ban soạn thảo”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP:

Chưa rõ việc quản lý sau quy hoạch

Luật Quy hoạch đô thị mà ra đời được là bước tiến mới. Tuy nhiên, các phần nội dung trong luật nên cân đối với nhau chứ dự án luật hiện tại thì còn yếu ở phần quản lý đô thị và quản lý sau quy hoạch. Tôi đếm tất cả chỉ có bảy trang quy định về vấn đề này, liệu có đủ để quản lý việc phát triển đô thị?

Kiến trúc sư Bùi Hồng Hà (Trợ lý Ban giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc):

Chưa đề cập đến quyền lợi của dân

Dự luật không đề cập mối liên quan giữa Luật Quy hoạch đô thị với các luật khác có tương quan như Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ... Luật cũng chỉ nêu chung chung các vấn đề lập đồ án quy hoạch đô thị và không đặt vấn đề quyền lợi của người dân ra sao. Như vậy, liệu luật có đi vào cuộc sống?

Các giảng viên khoa Quy hoạch, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM:

Nên đổi tên luật

Dự luật quy hoạch đô thị chỉ mới tập trung về vấn đề quy hoạch xây dựng chứ chưa bàn đến các vấn đề khác của đô thị: kinh tế, môi trường... một cách toàn diện. Do đó, nên đổi tên luật này thành “Luật Quy hoạch xây dựng đô thị”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP