Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang chuyển động

Cập nhật 05/08/2007 14:00

Suốt tuần qua, người dân xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) tấp nập đến UBND xã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Ông  Nguyễn Văn Tắng, Chủ tịch UBND xã cho biết 70 % số hộ và 89% số đảng viên của xã đã đăng ký nhận tiền đền bù.

Chính quyền vào cuộc quyết liệt

Thực tế đáng phấn khởi trên đây đang đẩy lùi hình ảnh cách đây không lâu, mặc dù Thanh tra Chính phủ đã về tận Văn Giang công bố kết luận, khẳng định Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang được tiến hành đúng trình tự thủ tục sẽ tiếp tục triển khai, chủ đầu tư cần có điều chỉnh về giá đền bù cho phù hợp, nhưng nhiều người dân vẫn bị kích động kéo đi khiếu kiện đông người.

Đó là kết quả của việc chính quyền các cấp từ xã, huyện, tỉnh càng quyết liệt hơn trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong vòng 2 tháng (tháng 3-4/2007) hàng loạt văn bản chỉ đạo, triển khai dự án được ban hành. Trong Thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định,  tăng  mức bồi thường đất và hỗ trợ đời sống vùng giáp ranh Thủ đô từ nguồn vốn của nhà đầu tư; điều chỉnh tiền hỗ trợ từ ngân sách xã  cho các hộ dân; thưởng tiến độ giải phóng mặt bằng...

Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh đã có Văn bản số 330 trả lời  7 kiến nghị của dân về các vấn đề: Trách nhiệm của cấp thẩm quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án; việc lựa chọn chủ đầu tư ; quá trình triển khai dự án; điều chỉnh tiêu chuẩn giao đất trong dự án liền kề bảo đảm công bằng giữa các hộ dân; tiến độ triển khai dự án liền kề; quy mô và ranh giới dự án; tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn tại khu dịch vụ liền kề. Sở Tài chính cũng đã  có văn bản trả lời công khai 5 ý kiến của dân về việc cần có quy chế đặc thù cho 3 xã trong vùng dự án; điều chỉnh tăng giá đền bù; xem xét thêm một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, ổn định đời sống; điều chỉnh giá đất và giá cây cảnh.

UBND huyện Văn Giang và Hội đồng Bồi thường huyện có nhiều thông báo, công văn nói rõ về chính sách thưởng tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai nhanh dự án dịch vụ liền kề, bồi thường hỗ trợ công trình, cây trồng sau ngày thu hồi đất và các quyền và nghĩa vụ của người dân có đất bị thu hồi. Tất cả chính sách, văn bản này đều được công khai đến từng người dân.

Chủ đầu tư cam kết hỗ trợ việc làm

Cùng với việc thực hiện điều chỉnh mức đền bù GPMB từ 19,8 triệu đồng lên 36,5 triệu đồng/sào, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) phối hợp  với UBND huyện Văn Giang xây dựng đề án giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất tại Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao.

Theo đó có khoảng 2.400 lao động được đào tạo thành nhân viên cây xanh, thợ cơ khí, thợ điện, thợ hàn, thợ sửa chữa ô tô, xe máy, máy công nghiệp, lái xe, nhân viên an ninh đô thị, nhân viên bán hàng, nhân viên vệ sinh môi trường... Năm nay tập trung đào tạo thợ xây dựng, thợ hàn, nghề cơ khí, điện công nghiệp, nhân viên an ninh, nhân viên cây xanh, vẽ nghệ thuật trên gốm sứ. Việc đào tạo sẽ được tiến hành  thông qua các trường Công nhân kỹ thuật Hưng Yên, trường Sư phạm Hưng Yên; đào tạo theo địa chỉ, theo hợp đồng. VIHAJCO và các cấp chính quyền đang tuyển 400 lao động trên địa bàn huyện Văn Giang với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cả 3 xã vùng dự án mới có 83 người đăng ký tham gia.

 VIHAJICO  cam kết  sẽ tiếp nhận toàn bộ số lao động được đào tạo theo đề án. 350 nhân viên an ninh được tiếp nhận từ nay tới năm 2009 sẽ có mức lương từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Khu đô thị Thương  mại - Du lịch Văn Giang hình thành không chỉ làm thay đổi cơ cấu hành chính, mà còn làm thay đổi cả cuộc sống của từng người dân  trong vùng dự án.

Theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường