Dự án đường sắt đô thị “tắc” vì chậm GPMB

Cập nhật 04/08/2007 14:00

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Nhổn - Ga Hà Nội đã khởi công xây depot (nhà ga) tại xã Tây Tựu và Minh Khai, huyện Từ Liêm cách đây 7 tháng, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.

Dự án đường sắt đô thị nội đô là một trong những công trình trọng điểm nằm trong chuỗi các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau nhiều bàn cãi, hội thảo, ngày 27/12/2006, UBND TP Hà Nội đã khởi công xây dựng depot (nhà ga) tuyến đường sắt đô thị số 1 Nhổn - Ga Hà Nội.

Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng đang chuẩn bị đầu tư dự án Tuyến đường sắt số 2 Nội Bài-Hà Đông (giai đoạn 1: Nam Thăng Long - Thượng Đình). Tuy nhiên, hai dự án này đều vướng công tác giải phóng mặt bằng.



Mặt cắt phối cảnh tuyến đường sắt đô thị
 Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao.


Theo Ban Quản lý phát triển vận tải công cộng và xe điện Hà Nội (chủ đầu tư dự án), tuyến đường sắt đô thị số 1 Nhổn - Ga Hà Nội có vốn đầu tư hơn 500 triệu euro, dài 12,7km và tuyến số 2 dài 15,2km sẽ đi ngầm hoàn toàn qua trung tâm thành phố có 14 ga, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hai dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ.

Sau khi tiến hành khởi công, hàng loạt các vấn đề vướng mắc lại tiếp tục phát sinh, trong đó giải phóng mặt bằng là khâu ì ạch nhất. Mới chỉ khởi công xây depot (nhà ga) dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (tại xã Tây Tựu và Minh Khai, huyện Từ Liêm), nhưng 7 tháng qua, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn tất.

Theo ông Hà Huy Quang, Giám đốc Ban Quản lý phát triển vận tải công cộng và xe điện Hà Nội, tính đến ngày 30/7, mới giải phóng được một nửa diện tích (7,8/16ha) thuộc xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) do vướng chính sách đền bù. Diện tích còn lại chưa giải phóng được mặt bằng phần lớn thuộc về xã Minh Khai.

Phần đất này do người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả. Khi được đền bù theo mức giá đất nông nghiệp, người dân không đồng tình. Còn nếu đền bù với mức giá cao hơn sẽ gây nhiều khó khăn, phức tạp.

Vướng mắc nữa là việc nhà thầu Tư vấn Systra (Pháp) chỉ cho phép lựa chọn và đấu thầu giữa các đơn vị tư vấn của Pháp. Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, không thể để phía Pháp tự thiết kế, rồi tự thẩm định vì như vậy không đảm bảo tính khách quan.



Mặt cắt phối cảnh tuyến đường sắt đô thị
Nhổn - ga Hà Nội đoạn chạy ngầm dưới lòng đất.


Ban Dự án đường sắt đô thị đã kiến nghị thành phố sử dụng vốn đối ứng, tổ chức đầu thầu quốc tế để thực hiện phần việc quan trọng này với dự kiến kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, thiết kế kỹ thuật và an toàn hệ thống khoảng 2 triệu euro.

Đoàn Tư vấn SAPROP (Nhật Bản) đã sang làm việc với Ban Dự án đường sắt đô thị từ đầu tháng 6. Nhưng một số thành viên Ban Quản lý dự án lo ngại khi dự án tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Thượng Đình vào giai đoạn giải phóng mặt bằng, rất có thể lại gặp những phức tạp như dự án 1.

Dự kiến, đoàn sẽ hoàn thành báo cáo cuối kỳ vào tháng 10-2007. Ban Dự án đường sắt đô thị kiến nghị bổ sung 3 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư, bổ sung thêm 30 chỉ tiêu biên chế và xin cơ chế đặc thù cho dự án…

Để tìm ra các biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án, ngày 31/7, UBND TP Hà Nội đã họp bàn với các sở, ngành liên quan. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng rút ngắn thời gian thẩm định để đáp ứng tiến độ của dự án. UBND TP Hà Nội yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất giải phóng mặt bằng đoạn đường từ Nhổn và depot, huyện Từ Liêm nhanh chóng nghiên cứu bố trí tái định cư cho một số hộ di dời vào các khu đất kẹt của xã Tây Tựu.

Các ngành có liên quan cần khẩn trương xem xét việc hỗ trợ công tôn tạo đất vườn của các hộ dân nơi có diện tích đất bị thu hồi để làm depot tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm và trình UBND thành phố trong tháng 8. UBND TP Hà Nội cũng đã nhất trí chuyển việc xây dựng depot tuyến đường sắt đô thị Nội Bài - Hà Đông giai đoạn 1 ở Nam Thăng Long sang phía Bắc Thăng Long.

Hy vọng với quyết tâm của các đơn vị tham gia thực hiện dự án các tuyến đường sắt nội đô cởi mở, thông thoáng hơn về cơ chế, Hà Nội sẽ có thêm một phương tiện giao thông thuận tiện, đẹp mắt vào đúng dịp Thủ đô tròn 1.000 năm.

Theo Công An Nhân Dân