Dự án BT tại Hà Nội: Bán hết nhà, đường vẫn ì ạch

Cập nhật 01/06/2020 09:55

Nhiều dự án đường BT ở Hà Nội đang chậm tiến độ, phát lộ nhiều sai phạm, trong khi phần đất đối ứng đã được chủ đầu tư triển khai xây nhà bán rầm rộ. Điều này đặt ra những bất cập cần thay đổi trong các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh được đầu tư theo hình thức BT vẫn đang ì ạch giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) tổng chiều dài tuyến là 3.795 m, tổng mức đầu tư là 2.754 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT. Được phê duyệt dự án từ năm 2013, khởi công tháng 1/2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến nay tuyến đường này vẫn chưa được thông xe.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại diện tích đất mà nhà nước đổi trả cho chủ đầu tư là Công ty Khai Sơn, đã hình thành Khu biệt thự Khai Sơn Hill, hệ thống Trường quốc tế… Các khu biệt thự “đắt khách”, nhiều biệt thự đã có người vào ở, thế nhưng tuyến đường BT đối ứng thì vẫn nằm im không một hoạt động thi công. Vì thi công dở dang nên tuyến đường BT có giá trị gần 3.000 tỷ đồng trở thành nơi tập xe, gây lãng phí lớn khi chậm đưa vào khai thác sử dụng.

Đại diện Cty Khai Sơn cho biết, đoạn đường vướng do hàng trăm ngôi mộ án ngữ trên tuyến đường chưa thể di dời. Việc di chuyển hàng trăm ngôi mộ cần có sự phối hợp của chính quyền phường Thượng Thanh, quận Long Biên chứ công ty không thể tự thực hiện được.

Tại huyện Thanh Trì, một tuyến đường BT khác do Cty CP Bitexco thực hiện nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ (thuộc dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An) cũng trong tình trạng tương tự.

Được biết, Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 4/2011 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 3,76km gồm một tuyến chính dài 2,5km, nền đường rộng 53,5m và một tuyến đường phụ dài 1,1km, nền đường rộng 20,5m.

Dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến khi hợp đồng dự án kết thúc vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng), nhà đầu tư Bitexco đã không hoàn thành công tác thi công.

UBND TP Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành hợp đồng dự án này.

Trong khi đó, phần đất đối ứng cho dự án đã được Bitexco triển khai xây dựng khu đô thị The Manor Central Park với tốc độ nhanh chóng, rao bán để thu hồi vốn cho tuyến đường thi công ì ạch.
Dự án Khai Sơn, quận Long Biên, Hà Nội Ảnh: Trần Hoàng

Có nên bỏ hình thức đầu tư BT?

Đại diện Thanh tra Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2019 Thanh tra Bộ đã thanh tra một số dự án BT tại quận Long Biên, Hà Nội, trong đó có dự án Khai Sơn. Tại thời điểm thanh tra (sau 4 năm triển khai dự án), giá trị xây dựng theo hợp đồng mới được 30%. Thanh tra Bộ cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án này như: 26 căn biệt thự không giấy phép, sai số trong tổng hợp số liệu làm tăng tổng mức đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng…

Ngay sau kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán loạt dự án BT trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Hầu hết các dự án xác định tổng mức ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai, như dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) giảm dự toán gần 70 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 750 tỷ đồng.

Qua kiểm toán 29 dự án BT trên cả nước, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý trên 5.200 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 110 tỷ đồng, giảm chi ngân sách gần 1.300 tỷ đồng, xử lý khác 1.300 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 550 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.200 tỷ đồng.

Về dự án BT xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, đại diện UBND quận Long Biên cho biết, quận đang tích cực đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư để GPMB, ít nhất là GPMB phần lòng đường để thông xe. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn vướng đất ở gần 100 hộ dân và gần 1.000 ngôi mộ, chủ yếu ở 2 phường Thượng Thanh và Đức Giang. Khó khăn hiện nay là có cả đất các hộ lấn chiếm. Vị này cũng cho biết thêm, hiện chủ đầu tư liên tục gửi văn bản cho quận về việc GPMB tuyến đường này, tuy nhiên về thực địa thì thiếu tích cực phối hợp.

Tại dự án Nút giao thông giữa tuyến đường 1 thuộc dự án bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường 70, UBND huyện Thanh Trì cho biết, đến nay có 16/98 hộ đã phối hợp điều tra kê khai đất, tài sản trên đất, còn 82/98 hộ chưa phối hợp điều tra kê khai. Việc kéo dài thời gian thực hiện GPMB được UBND huyện Thanh Trì lý giải do chủ đầu tư là Cty CP Bitexco chưa thực sự quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với huyện, chính quyền địa phương nên công tác GPMB chậm và thiếu hiệu quả. Về nội dung này, UBND TP đã giao Thanh tra thành phố thanh tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Huyện Thanh Trì đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét phương án trình phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất tái định cư khi chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng khu tái định cư.

PGS. TS Ngô Trí Long nhận định, tình trạng dự án chưa hoàn thiện nhưng phần giao đất đối ứng dự án làm chung cư, biệt thự rao bán rầm rộ là tình trạng chung của nhiều dự án BT.

Ông Long cho rằng các cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch từ quá trình lập dự án, đấu thầu, thanh toán. Đặc biệt, cần giám sát quá trình triển khai để hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án BT nhưng lại "đòi" nhà nước thanh toán đất đối ứng để thu lợi. Cần thực hiện đấu thầu công khai nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát nguồn lực đất đai.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đề nghị “Quốc hội nên coi làm luật PPP là dịp tốt để quyết tâm khai tử BT và nỗ lực thực hiện cách làm mới để khai thác hiệu quả và minh bạch quỹ đất và công sản ở địa phương, lấy tiền cho dự án hạ tầng”.

“Đất đai và công sản nên được đấu giá công khai, minh bạch. Tiền đó đưa vào dòng ngân sách riêng, dưới dạng Quỹ tài trợ cho dự án hạ tầng”, ông Đồng đề xuất.

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ngày 28/5, các đại biểu Quốc hội đã có quan điểm rất khác nhau về hình thức BT.

Về nội dung này, do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) trình 2 phương án để QH quyết định. Theo đó, phương án 1 là quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, “bảo đảm xử lý được các tiêu cực”; phương án 2 là bỏ hẳn quy định về loại hình dự án BT ở luật này, vì bản chất không phải hình thức đối tác công - tư.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong