"Đột phá" cho ngoại thành

Cập nhật 05/12/2010 08:45

Kể từ ngày Long Biên "lên quận", các nguồn đầu tư trở nên dồi dào, vì định danh "quận" gắn liền với những yêu cầu cao về hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Nhờ thế, chỉ sau vài năm, diện mạo quận mới này đã thay đổi nhanh chóng, thậm chí giờ còn là điểm sáng của thành phố về phát triển hạ tầng.

Về mặt địa lý, huyện Gia Lâm liền kề Long Biên, so với trung tâm chỉ là "một chín một mười", nhưng sự khác biệt về cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, chiếu sáng lại rất rõ ràng. Chính lãnh đạo huyện Gia Lâm đã nhiều lần lên tiếng về điều này và khẳng định rằng, đây là sự thiệt thòi, nếu không muốn nói là thiếu công bằng.

Đã đến lúc giảm độ "vênh"


Ở vào hoàn cảnh tương tự của Long Biên và Gia Lâm là sự khác biệt trông thấy giữa quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Trong khi đó, huyện Từ Liêm mặc dù có mức độ đô thị hóa nhanh chóng, có ý kiến cho rằng xứng đáng "lên quận", nhưng do định danh "huyện" mà các khoản đầu tư xây dựng cơ bản cho tương xứng với tình hình thực tế cũng bị hạn chế nhiều.


Cần ít nhất 2.000 tỷ đồng/năm đầu tư cho đường giao thông khu vực nông thôn trong vòng 5 năm tới. Ảnh: Thái Hiền

Nhưng đáng kể nhất là sự chênh lệch giữa các huyện mới nhập về với các quận, huyện Hà Nội cũ. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng những cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển như giao thông, thủy lợi, điện, nước, thu gom rác… đòi hỏi rất lớn, nhưng nguồn thu hạn hẹp và định mức phân bổ chi ngân sách còn thấp. Chỉ tính riêng về đường giao thông, ở khu vực nông thôn có 13.000km, nhưng mới chỉ có khoảng 8.000km được trải nhựa hoặc đổ bê tông, còn lại khoảng 5.000km vẫn là đường đất "nắng bụi, mưa lầy".

Để nâng cao chất lượng các tuyến đường này đòi hỏi thành phố phải đầu tư cho khu vực nông thôn ít nhất là 2.000 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới. Nhu cầu tăng đầu tư cho khu vực này không chỉ có giao thông. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích: "Thu nhập trung bình ở khu vực nông thôn, ngoại thành chỉ bằng 1/4 nội thành, nên muốn đạt các chỉ tiêu kinh tế cao trong 5 năm tới, thành phố cần đầu tư mang tính đột phá cho khu vực này".

Trong khi đó, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi chưa hoàn chỉnh cũng đặt một số địa phương và cả thành phố lâm vào những hoàn cảnh khó xử. Vì phân cấp quản lý kinh tế không đồng bộ với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nên có những việc được phân cấp, nhưng quận, huyện không được cung cấp đủ kinh phí, bảo đảm hoạt động.

Công thức ưu tiên

Theo thống kê, hằng năm thành phố đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng so với khu vực có diện tích chiếm 60% thành phố, với khoảng 400 xã, thị trấn thì khoản vốn như thế chia nhỏ ra chưa "thấm" so với yêu cầu thực tế. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình khẳng định, ưu tiên đầu tư phát triển cho "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) hay hướng ra ngoại thành là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.


Huyện Từ Liêm mặc dù có mức độ đô thị hóa cao nhưng việc đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Ảnh: Thái Hiền

Trình bày quan điểm xây dựng định mức phân bổ chi ngân sách thành phố giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên tắc là "Bảo đảm tương quan hợp lý, cân đối giữa việc phát triển nội thành và ngoại thành; ưu tiên đầu tư ra ngoại thành và hỗ trợ các huyện có hạ tầng kỹ thuật và xã hội khó khăn, chưa hoàn chỉnh, có xã miền núi, có nguồn thu ngân sách thấp để góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của cư dân giữa nội thành và ngoại thành, giữa các quận với các huyện, thị xã". Như vậy, thành phố đã xác định rõ chủ trương hướng đầu tư vào khu vực ngoại thành trong 5 năm tới.

Để tính công bằng về định mức cho các quận, huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 8 tiêu chí với tổng điểm 1.000 để phân bổ chi ngân sách. Đáng chú ý là ngoài các tiêu chí chung như diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có tới 560 điểm chia đều cho các tiêu chí như số kilomet đường giao thông chưa được kiên cố (140 điểm), trung tâm văn hóa - thể thao chưa được đầu tư (140 điểm), số trường học chưa đạt chuẩn quốc gia (140 điểm), trụ sở cấp xã chưa đầu tư đồng bộ (140 điểm).

Các quận, huyện, thị xã được thụ hưởng ngân sách thành phố bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào số điểm tương ứng. Với cách tính điểm như trên, thành phố vừa bảo đảm cách tính toán công bằng vừa dành ưu tiên rất lớn đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, ngoại thành. Trong 5 năm, thành phố cũng bảo đảm nguyên tắc mức vốn đầu tư phát triển cân đối của các quận, huyện, thị xã năm sau không thấp hơn so với năm trước liền kề.

Hướng ưu tiên ra ngoại thành của thành phố còn được thể hiện trong việc xác định định mức phân bổ chi cho sự nghiệp kinh tế như nông - lâm - thủy sản, giao thông, quản lý hệ thống chợ, trung tâm thương mại… Thành phố dự kiến định mức này được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số chi thường xuyên của 9 lĩnh vực chi thường xuyên: các quận thấp nhất với 8%, huyện cao hơn với 10%, thị xã Sơn Tây cao nhất với 13%. Cùng với việc xây dựng định mức phân bổ chi ngân sách thành phố cho các địa phương trong 5 năm tới, Hà Nội đồng thời xây dựng đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi theo hướng "phải phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế xã hội…".

Trên đây có thể coi là những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội trong 5 năm tới. Nhưng liệu ngoại thành có tận dụng được cơ hội này để vươn lên hay không phụ thuộc nhiều vào khâu thực hiện, bởi ưu tiên đầu tư rất đáng mừng, nhưng kết quả đầu tư mới có ý nghĩa.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới