“Đón gió” qui hoạch

Cập nhật 16/06/2007 14:00

Mua đất xây nhà, chờ đền bù giải tỏa để hưởng lợi đang là chuyện nóng bỏng tại tỉnh Bình Phước. Một ít người “trúng mánh” nhưng nhiều người lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi dự án đột ngột bị điều chỉnh qui hoạch...

Trong vai những người đi mua đất chờ đền bù giải tỏa, chúng tôi đến xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành. Ngay góc đường từ quốc lộ 13 rẽ vào Khu công nghiệp Chơn Thành đã thấy một dãy nhà vài chục căn lụp xụp, tường xây gạch đứng (để tiết kiệm vật liệu), mái có chỗ lợp tôn, có chỗ lợp bằng tranh. Điều ngạc nhiên là trong những căn nhà ấy đều có người ở. Họ là những công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Chơn Thành, đến đó mướn nhà với giá 200.000 đồng/tháng.

“Xí chỗ” chờ đền bù

Dọc quốc lộ 14, khu vực xã Tiến Thành (thị xã Đồng Xoài) có vẻ hoang sơ nhưng chỉ cần đi sâu vào bên trong chừng 100m là thấy một cảnh tượng khó tin được. Theo dự kiến, khu vực này qui hoạch làm công trình công cộng nhưng đã mọc lên nhiều nhà xây tường gạch không tô, cửa đóng then cài, quay dọc quay ngang tứ phía. Anh N.V.H. (ở ấp 1, xã Tiến Thành) nói vẻ sành sỏi: “Làm sổ (giấy chủ quyền nhà đất - PV) thì có khó gì đâu. Nhưng làm sổ làm gì cho rắc rối. Cứ xây nhà lên là thành thổ cư hết. Làm sổ như ông bên kia chỉ được đền phần thổ cư trong sổ, còn ở đây chẳng có sổ gì hết thì tính thổ cư trên thực tế, được đền nhiều gấp rưỡi ông ta...”.

Anh H. thuyết phục thêm: một người em của anh xây nhà 18 triệu, mua miếng đất vài triệu mà bây giờ bán ít nhất là 50 triệu. Việc mua bán chỉ cần giấy tay với nhau, có người làm chứng là xong. Chúng tôi vào xem căn nhà trị giá 50 triệu đồng, diện tích 4,5x12m. Tường mỏng đã đành, trong nhà lởm chởm ximăng, vữa, sắt, cửa thì tạm bợ. Chủ nhà cười giả lả: “Hai vợ chồng ở cái nhà đó là được rồi. Về ở rồi sửa thêm, chứ xây để bán thì xây kỹ làm gì. Ở khu này cán bộ nhà nước mua đất xây nhà ầm ầm có sao đâu!”.

Không chỉ có cán bộ, công nhân viên làm việc trong các cơ quan ở Đồng Xoài mà cả những cán bộ từ huyện Phước Long, Bình Long, Phú Riềng... cũng đến đây “xí chỗ”, chờ đền bù giải tỏa.

Anh B.N.L. (ở xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành) tỏ ra rất rành rẽ. Theo anh, khu vực này giải tỏa đến mấy ngàn hecta. Nghe đâu có người Úc qua đầu tư, định làm sân golf và sân đua ngựa. “Nhà tôi trong đó. Tôi xây kiôt với nhà trọ, chủ yếu chờ giải tỏa”. “Nhưng làm như thế liệu có lời không?”. “Mua rẻ thì ăn chứ. Mua sâu sâu chút, đừng mua gần đường quá. Xây thì xã không cấm, chỉ phạt mình tiền không xin phép”.

Một cán bộ của Sở Tài nguyên -môi trường tỉnh Bình Phước ngao ngán nói với chúng tôi: “Có những trường hợp thông báo qui hoạch xong, khi quay lại để triển khai thì nhà đã mọc lên như nấm sau mưa”.

“Trúng mánh”

Tại đường vào Khu công nghiệp Chơn Thành, ông N.T.T. cho biết dãy nhà ông đang ở là của con rể xây lên cho mướn. Anh ta làm ở ban quản lý chợ kiêm luôn quản lý đô thị nên việc mua bán đất ở đây rất rành, biết khu nào có thể xây để được đền bù. Khu đất trước nhà ông T. được qui hoạch từ rất lâu làm khu công nghiệp nhưng người dân vẫn cứ xây nhà lên và khi giải tỏa ai cũng được đền bù, rủng rỉnh vài chục triệu đồng.

Bình Phước vốn hạ tầng kém, những năm gần đây nhiều công trình mới được xây dựng lên, nhiều tuyến đường mới mở ra để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vì thế, một cán bộ HĐND xã Thành Tâm nói: “Ở tỉnh Bình Phước này mua đất chỗ nào cũng có lời”. Chỉ tay vào một khu đất rộng, ông nói: “Giá 30 triệu/1m ngang, sâu 70-80m. Muốn mua chỗ nào cũng có. Không mua nhanh mai quay lại không có giá đó nữa đâu”.

Theo những người dân xây nhà tại đây, cứ có nhà thì được xem là đất thổ cư, kể cả chuồng bò cũng là... thổ cư. Nhà chưa đền bù thì cho mướn. Cứ như vậy nhà nhà mọc lên. Anh L., một trong những hộ dân “trúng mánh”, kể: đất anh đang trồng cây, bỗng dưng con đường mở xuyên qua vào khu công nghiệp. Nhà, đất được đền bù 64 triệu đồng và được cấp một lô đất tái định cư. Lô đất bán được 180 triệu, tổng cộng gần 250 triệu. Sau khi làm đường còn một miếng đất, anh xây tiếp một dãy chục căn phòng, cho công nhân mướn và tiếp tục chờ đền bù. Anh kể rằng cơ quan chức năng đã áp giá rồi, giờ chỉ đợi lấy tiền, khoảng 200 triệu đồng nữa...

...và “vỡ mộng”



Những ngôi nhà “vỡ mộng” đang
 xuống cấp ở “khu nhà ma”.


Qua nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm ra con đường đến khu nhà mà mọi người gọi là “khu nhà ma” (thuộc ấp 3, xã Tiến Thành). Từ quốc lộ 14 vào khoảng 300m nhưng con đường cứ ngoằn ngoèo, lần theo những khoảng trống xuyên giữa rừng cao su, vườn điều. “Khu nhà ma” hiện ra trước mắt, trống vắng và buồn tẻ. Căn nhô lên phía trước, căn thụt lại phía sau, không theo một qui cách nào. Có khoảng 30 căn nhà được xây như vậy, diện tích trên dưới 20m2/căn, trông như những chiếc hộp, tường bằng gỗ hoặc xây gạch nhưng không tô ximăng, còn cửa sổ thì trống hoác... Hầu hết là bỏ hoang, không có người ở.

Cách nay khoảng ba năm, khi nghe UBND tỉnh Bình Phước có chủ trương mở đường Trần Hưng Đạo nối dài song song với quốc lộ 14, nhiều người đã đổ xô đến khu này mua đất để “đón gió” mở đường hoặc chờ giải tỏa, đền bù. Các chủ đất phân thành từng lô 5x30m xen với cây cao su, điều bán giá 10 triệu đồng/lô.

Không chỉ bán đất, các chủ đất cũng chạy theo “phong trào” xây nhà chờ qui hoạch. Tiền vật liệu, công xây mỗi căn khoảng 10 triệu đồng. Đến nay đường không thấy mở, những căn nhà “đón gió” bắt đầu xuống cấp. Có thông tin cho biết tỉnh đã thay đổi qui hoạch, không mở đường nữa nên gần đây nhiều người phải rao bán nhà, giá 50 triệu đồng/căn.

Chị N.T.C., một trong số rất ít người đang ở “khu nhà ma”, buồn rầu tâm sự rằng chị ở Phú Riềng nhưng nghe thị xã Đồng Xoài có một dự án đang qui hoạch, chị rủ mấy chị em cùng cơ quan xuống mua đất, xây nhà chờ đền bù. Tưởng được “món hời”, không ngờ không được đền bù mà còn có nguy cơ mất trắng. Đất không giấy tờ nên bán không ai mua dù giá “rẻ hơn bèo”. Nhà xây giữa vườn điều, không đường sá, điện nước. Vậy là mất toi mấy chục triệu đồng. “Mất mà không dám nói với ai vì sợ người ta cười cho” - chị nói.

Theo Minh Phước, Phúc Huy - Tuổi Trẻ