Đổi quỹ đất Bắc sông Hồng lấy một đoạn vành đai 4

Cập nhật 10/08/2010 11:40

Lãnh đạo Hà Nội vừa thống nhất trước mắt với đề xuất của nhà đầu tư đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6: dự án đối ứng cho dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn vành đai dài khoảng 20km này sẽ được lấy từ quỹ đất khu Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh.

Theo đó, lãnh đạo Thủ đô giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập ngay quy hoạch phân khu chức năng trên địa bàn huyện Đông Anh, trước hết từ Bắc Thăng Long đến cầu Đông Trù, như hành lang xanh Hồ Tây - Cổ Loa, khu triển lãm quốc gia... để xác định cụ thể quy hoạch không gian đô thị, tính chất và quy mô dự án đối ứng, xác định rõ quỹ đất trực tiếp phục vụ kinh doanh cho dự án đối ứng.


Vành đai 4 nối hàng loạt khu đô thị mới của Thủ đô sắp thành hiện thực (Ảnh minh họa).

Những động thái trên sẽ là cơ sở cho nhà đầu tư (Cty CP Him Lam) căn cứ đề xuất, đảm bảo sự cân đối, hài hòa và phù hợp về quy mô, tổng mức đầu tư của công trình BT, đồng thời tuân thủ đúng quy định hiện hành. Trách nhiệm của nhà đầu tư là phải nghiên cứu, đề xuất quy mô phù hợp.

Về hướng tuyến của đoạn vành đai 4 này, lãnh đạo Hà Nội cho rằng nhìn chung phù hợp quy hoạch. "Tuy nhiên, một số điểm phải điều chỉnh lại để đảm bảo yêu cầu thiết kế, kỹ thuật, không quá phụ thuộc vào các khu đô thị đã giao. Trường hợp điều chỉnh tuyến đường vành đai 4 ra phía ngoài bãi sông Đáy thì phần phía trong sau điều chỉnh vẫn giữ chức năng không gian xanh kết hợp với các khu vui chơi giải trí, đồng thời đảm bảo hành lang thoát lũ" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kết luận.

Chủ tịch Hà Nội đồng thời giao Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp các sở liên quan, nhà đầu tư (kể trên) và tư vấn TEDI rà soát, nghiên cứu hoàn chỉnh, đề xuất, xin ý kiến Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng chấp thuận để cập nhật phương án tuyến vành đai 4 vào quy hoạch chung Thủ đô đang lập, đảm bảo phù hợp các quy hoạch chuyên ngành liên quan khác.

Tư vấn TEDI cũng phải nghiên cứu, bổ sung số liệu sao cho đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 này đảm bảo phù hợp lâu dài, đáp ứng yêu cầu giao thông trong tương lai, cụ thể là ít nhất phải 8 làn xe, các nút giao với những tuyến giao thông quan trọng (như đường Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 6...) phải là các nút giao lập thể, hoàn chỉnh, khác mức, đảm bảo an toàn.

Hà Nội cũng cho biết thời gian tới sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xin thông qua chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ đề xuất dự án và chỉ định nhà đầu tư (Cty CP Him Lam) trực tiếp đàm phán hợp đồng của dự án vành đai 4 đoạn quốc lộ 32 - quốc lộ 6 này theo hình thức BT.

Đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 này đã được TP Hà Nội “tách riêng” tiến độ và yêu cầu trong tháng 4/2010, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Tư vấn thống nhất hoàn chỉnh chỉ giới đường đỏ, báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình duyệt để nhà đầu tư có thể khởi công, thi công kể từ tháng 10/2010.

Ngày 5/7 vừa qua, Hà Nội đã giao nhiệm vụ lập Đề xuất dự án nghiên cứu thí điểm đầu tư đoạn còn lại của vành đai 4 trên địa bàn Thủ đô theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trừ các đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, như đoạn quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 kể trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Bee.net