Doanh nghiệp địa ốc "kêu" khó về thủ tục cấp phép đầu tư dự án mới

Cập nhật 27/03/2019 10:00

Tại cuộc họp bàn về kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM năm 2019 cuối tuần qua, đại diện Sở Xây dựng cho rằng nếu yêu cầu các dự án nhà ở phải có trong danh mục dự án phát triển nhà ở ban hành kèm kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM mới xem xét chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư. Việc này, theo nhiều chủ đầu tư là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.



Theo đó, đối với các dự án chưa có trong danh mục các dự án nhà ở đang triển khai thực hiện, Sở Xây dựng cho biết sẽ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, phù hợp với Kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng.

Đồng thời phối hợp với các quận, huyện rà soát cụ thể tình trạng pháp lý các dự án trên địa bàn các quận, huyện, cập nhật vào danh mục các dự án nhà ở đang thực hiện để theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình phát triển nhà ở trên địa bàn, phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Đối với các dự án chưa có trong danh mục các dự án nhà ở dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 (dự án chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, khả năng hoàn thành trước năm 2020 không khả thi), Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các quận, huyện để đánh giá kết quả thực hiện.

Trong đó, dự án hoàn thành trước 2020, sẽ cập nhật vào danh mục các dự án nhà ở hoàn thành từ nay đến 2020, phục vụ việc tổng hợp kết quả hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Các dự án nhà ở sau khi được UBND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư sẽ được công bố công khai theo tinh thần của Luật Nhà ở. Kỳ vọng những quy trình, thủ tục trên sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình phát triển nhà ở của TP.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc thời gian qua "kêu" rằng nhiều dự án họ đang triển khai phải dừng lại vì chưa được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư, do chưa có tên trong danh sách danh mục kèm theo chương trình phát triển nhà ở.

Đặc biệt, dự án chưa được chấp thuận đầu tư coi như mọi thủ tục khác phải gác lại. Trong khi đó, việc tranh luận có hay không có danh sách của từng dự án kèm theo chương trình phát triển nhà ở để làm cơ sở khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, vẫn chưa ngã ngũ.

"Trong tình hiện như hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi gần một năm qua vẫn không có gì làm, không ra được dự án. Nếu việc này kéo dài, chắc chắn sẽ đẩy chúng tôi rơi vào khó khăn chồng chất, trong khi đó mọi hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án đều được thực hiện khá đầy đủ, nhưng qua thăm hỏi ý kiến thì được biết không bộ phận nào ký chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn", một doanh nghiệp BĐS ở Bình Dương trần tình.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cũng cho rằng khó khăn trong thủ tục pháp lý kéo dài sẽ dẫn đến sự đình trệ của các dự án BĐS đưa vào triển khai trong năm 2019. Điều đó sẽ dẫn đến chi phí sẽ ngày càng gia tăng, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro lớn về tài chính và quan trọng hơn hết là gây ra sự lãng phí về nguồn lực xã hôi do sự ách tắc, đình trệ này.

"Chúng ta cần có cơ chế đủ thông thoáng và minh bạch để khơi thông nguồn lực của thị trường, tạo điều kiện cho những dự án tốt, những chủ đầu tư có đủ năng lực yên tâm phát triển trong dài hạn", bà Hương nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, thành phố luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể. Những gì trong thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết ngay. Những nội dung ngoài thẩm quyền thì thành phố sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, phản ánh với Quốc hội để sớm sửa những điểm bất hợp lý như doanh nghiệp phản ánh.

Qua đó, lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng sẽ công khai minh bạch bằng "app thông tin điện tử" về pháp lý của từng dự án để người dân có thể tìm hiểu rõ ràng. Bởi vì hiện nay có nhiều dự án, theo quy định không được bán nhưng đã triển khai ký kết hợp đồng mua bán với người dân để huy động vốn, kể cả những dự án "chưa có gì hết đã rao bán".

UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp một số những vướng mắc có thể giải quyết ngay. Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định rằng những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM sẽ giải quyết ngay. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng giải quyết.

Cụ thể, về khó khăn để được công nhận chủ đầu tư dự án doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp, TP.HCM sẽ phân ra các loại, nếu dự án đã có 100% đất ở do doanh nghiệp đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Sở Xây dựng sẽ giải quyết hồ sơ xem xét công nhận chủ đầu tư. Các dự án chưa phải là 100% đất ở, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thụ lý xem xét, nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện theo quy định đầu tư công.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình hoạt động, UBND TP.HCM vừa cho biết sẽ họp giao ban hàng quý với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để xem xét hướng xử lý.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM được giao hệ thống lại các vướng mắc chung của các doanh nghiệp về đất đai, cấp giấy, tiền sử dụng đất, ký quỹ, tách thửa, cổ phần hóa; đồng thời nhận diện các doanh nghiệp bất động sản hoạt động không lành mạnh để ngăn chặn, tránh làm ảnh hưởng chung đến môi trường đầu tư của TP.HCM.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ