Doanh nghiệp bất động sản “than trời” vì thủ tục hành chính

Cập nhật 29/06/2019 10:00

Xin thủ tục rườm rà, khó khăn trong việc tính tiền sử dụng đất và ra giấy chủ quyền, bộ phận thực thi gây khó… khiến chủ đầu tư các dự án bất động sản nản lòng.



Khó khăn chồng chất

Theo số liệu thống kê từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung bất động sản có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tổng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch cũng giảm khoảng 28%; trong khi đó tại TP.HCM mức độ giảm còn mạnh hơn, tổng nguồn cung giảm gần 50%.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trong 6 tháng qua tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 16.675 căn, tỷ lệ giảm đến 34,1%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, phân khúc căn hộ bình dân tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%. Cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối, lệch pha cung - cầu được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.

Trao đổi về tình hình hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản than phiền vướng mắc lớn nhất hiện nay là có những chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm khiến doanh nghiệp bất động sản bất an, còn công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM đều bị chậm trễ.

Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố.


Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho rằng thực trạng này dẫn tới nhiều dự án xây dựng xong nhưng không có sổ đỏ cho người dân, nhiều dự án thì xây lên cao rồi nhưng chưa thể bán vì chưa biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu để tính đúng đầu ra, đầu vào.

Có những doanh nghiệp xin tạm đóng tiền sử dụng đất cũng không được cấp theo nguyện vọng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp bất động sản khó khăn chồng chất hơn. Đó là chưa kể đến tiền đất phải thanh toán liền, điều này tạo thêm gánh nặng, nguồn vốn cạn dần vì doanh nghiệp chưa bán được sản phẩm đã phải lo tiền xây dựng, đóng tiền đất dồn dập.

Cần có cơ chế mở

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA giải thích:

“Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến.

Hiệp hội nhận thấy chưa có khung cơ chế về quy trình tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo khung cơ chế này thì yên tâm và được an toàn”.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Trương Huy Mai - Đại học RMIT nhận định:

“Thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, rất dễ xảy ra hiện tượng cơ chế “xin – cho”, tiêu cực. Nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng, hành doanh nghiệp”.

Cần một cơ chế mở cho giai đoạn hiện nay là đề xuất mà người đứng đầu HoREA, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Hiệp hội đã từng kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra. Vì quá trình thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp về chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, dẫn đến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Về mặt kinh tế sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản. Về phía doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

DiaOcOnline.vn – Theo Lao động