Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ

Cập nhật 06/11/2013 14:22


Phát biểu trên báo giới mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng, với gói kích cầu 30.000 tỷ, các cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận thực tế là đã thất bại. Bởi đến thời điểm này, hầu như không có, hoặc có rất ít doanh nghiệp hay dự án được "cứu" từ gói kích cầu này.

Theo số liệu cập nhật của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), đến thời điểm này đã có 619 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay và 590 khách hàng được giải ngân với số tiền hơn 142 tỷ đồng từ gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.

So với kết quả của hai tháng đầu thực hiện, có thể thấy việc giải ngân từ gói hỗ trợ này đang có chuyển biến khá tích cực. Bởi trong tháng 6/2013, kết quả giải ngân chỉ đạt 3,5 tỷ đồng thì tháng 7 đã tăng lên 35 tỷ đồng, tháng 8 đạt 69 tỷ đồng và vọt lên 142 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2013.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu của Chính phủ cũng như sự kỳ vọng của người dân vào một gói hỗ trợ nhà ở và thị trường bất động sản có giá trị tương đương 1,5 tỷ USD, có thể thấy rằng, vẫn đang có một sự bế tắc trong giải ngân.

Thực tế khác dự tính

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, gói 30.000 tỷ đồng nhưng với giá trị giải ngân chỉ đạt 0,5% sau hơn 5 tháng triển khai là quá chậm.

Trong khi đó, phản ánh của nhiều người dân có nhu cầu vay vốn, thì  nguyên nhân chủ yếu khiến họ chưa thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này vẫn là do hồ sơ thủ tục khá ngặt nghèo, người dân phải chuẩn bị hơn 10 loại giấy tờ khác nhau như xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập…

Ngay cả tại Tp.HCM - một địa phương được đánh giá là có thị trường tín dụng tăng trưởng khá, song báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho thấy, đến đầu tháng 10/2013 trên địa bàn thành phố, trong số 137 khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại để vay hỗ trợ nhà ở từ gói 30.000 tỷ, chỉ mới có 58 khách hàng được giải ngân với tổng vốn cho vay 22,6 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ có hai trường hợp vay mua nhà ở xã hội, còn lại đều vay mua nhà thương mại.

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM Nguyễn Hoàng Minh, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện gói cho vay này là vấn đề thế chấp căn hộ. Hiện các phòng công chứng không đồng ý công chứng đối với các hợp đồng thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai do chưa có quy định loại hình thế chấp này.

Bên cạnh đó, theo quy định, nhà ở xã hội chỉ được bán sau 10 năm kể từ khi ký hợp đồng mua mới được chuyển nhượng nên ngân hàng cũng không thể công chứng hoặc giao dịch bảo đảm đối với các hợp đồng thế chấp loại tài sản này.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, việc gói 30.000 tỷ giải ngân chậm vì hiện nay thời hạn vay quy định tối đa chỉ có 10 năm. Trong khi đó, nhiều trường hợp thu nhập thấp sau khi trừ các chi phí thiết yếu, thu nhập còn lại của họ quá thấp không đủ đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn nên không được vay.

Tại tỉnh Bình Dương - một trong những địa phương có số lượng người lao động, công nhân lao động thiếu nhà ở cao nhất cả nước, theo ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ trên địa phương này vẫn bị “ế”.

Ngoài một số lý do mang tính cá biệt như không muốn mua nhà, không chuộng nhà chung cư… thì rào cản lớn nhất khiến việc giải ngân không được như kỳ vọng là do mức thu nhập của người lao động trên địa bàn vẫn quá thấp, hầu hết đều không đủ điều kiện hoặc không có khả năng trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, phần lớn lao động trong các khu công nghiệp tại Bình Dương hiện nay là người trẻ, đơn thân, làm việc lại thường xuyên phải tăng ca cả ngày nên cũng chưa nghĩ đến việc mua nhà xã hội để lập thân, lập nghiệp.

Kết quả là trong số hơn 800.000 lao động trên địa bàn này, hiện vẫn có đến 85% chấp nhận cảnh thuê nhà.

“Quả bóng trách nhiệm”

Phát biểu trên báo giới mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng, với gói kích cầu 30.000 tỷ, các cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận thực tế là đã thất bại. Bởi đến thời điểm này, hầu như không có, hoặc có rất ít doanh nghiệp hay dự án được "cứu" từ gói kích cầu này.

Điều đáng nói hơn là hiện “quả bóng trách nhiệm” đang được chuyền qua lại giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, liên quan đến việc giải ngân ì ạch.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giải ngân gói 30.000 tỷ chậm trễ là do thủ tục chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm. Nhiều ngân hàng thương mại đã lên tiếng về việc có nhiều dự án phía ngân hàng đã làm xong thủ tục thẩm tra hồ sơ nhưng cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn phải chờ thủ tục chuyển đổi chức năng sử dụng của dự án từ ngành xây dựng.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói 30.000 tỷ vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.

Chính vì vậy, theo một lãnh đạo ngành xây dựng, thay vì bắt người thu nhập thấp phải chứng minh được khả năng trả nợ, các ngân hàng chỉ cần thay thế bằng một ràng buộc khác, có thể là ấn định khoản gốc, lãi phải trả hàng tháng, hàng quý cụ thể là bao nhiêu. Nếu đến hạn không trả, ngân hàng sẽ phong toả căn hộ hoặc phát mại theo quy định của pháp luật.

Còn với các chuyên gia kinh tế, để việc triển khai gói 30.000 tỷ này đạt kết quả cao nhất, các cơ quan quản lý cần phải “ngồi lại”, đánh giá một cách công tâm những hạn chế của cơ chế, chính sách cũng như các điều kiện ràng buộc khi triển khai cho vay.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng nhìn nhận, việc đưa ra gói 30.000 tỷ là một chủ trương đúng trong bối cảnh hiện nay. Việc ách tắc trong giải ngân là do cách đặt vấn đề không đúng của các cơ quan thẩm quyền.

Chuyên gia này cũng quan ngại về tính khả thi của gói 30.000 tỷ, bởi hiện ngân sách đang thiếu hụt. “Tôi cũng không hiểu là số tiền này sẽ lấy ở ngân sách tăng thêm hay ở ngân sách hụt dự trù. Nói có thể hăng hái nhưng thực tế tiền mặt thì không phải là dễ”, ông Liêm nói.

Trong sự bế tắc đó, một thông tin được phát đi từ lãnh đạo Bộ Xây dựng mới đây, là cơ quan này sẽ nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền và ngành ngân hàng hạ bớt các tiêu chí cho vay, để cải thiện tốc độ giải ngân.

DiaOcOnline.vn - Theo Vneconomy