Đồ án quy hoạch thủ đô: Cần 90 tỉ USD để thực hiện

Cập nhật 02/06/2010 10:10

Hôm nay (2-6), Chính phủ trình Quốc hội đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Bản đồ qui hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 - Đồ họa: Như Khanh

Trao đổi với phóng viên, chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng việc quy hoạch xây dựng thủ đô là công việc rất lớn, hệ trọng và hoàn toàn không dễ dàng bởi thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của cả nước, có lịch sử nghìn năm văn hiến. Ông Hiền nói:

Thủ đô nước ta có quy mô rất lớn, tới hơn 3.200km2, bao gồm cả đô thị, nông thôn đa dạng, xen kẽ. Trong khi đó, bản quy hoạch không phải làm từ đầu mà kế thừa một loạt quy hoạch đã có trước đây. Làm sao để chừng ấy yếu tố, điều kiện, đặc điểm đạt sự hòa quyện hợp lý trong tổng thể phát triển là việc vô cùng khó.

* Thưa ông, trong các cuộc hội thảo, tọa đàm do ủy ban Kinh tế tổ chức, những vấn đề cụ thể nào trong đồ án này được quan tâm nhất?



Ông Hà Văn Hiền - Ảnh: Việt Dũng
Có khá nhiều vấn đề cần được quan tâm, nhưng ở đây tôi chỉ nêu một số nội dung.

Thứ nhất, nhiều ý kiến đồng tình với việc hình thành các đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm bằng những trục hướng tâm nhưng lưu ý cần xem xét kỹ quy mô các đô thị vệ tinh, cơ sở và động lực nào thúc đẩy sự hình thành và phát triển các đô thị này. Thứ hai, dự định xây dựng trung tâm hành chính trong tương lai ở chân núi Ba Vì. Thứ ba, việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa làm sao để Hà Nội mở rộng, phát triển nhưng vẫn giữ được “tính Hà Nội” - thủ đô nghìn năm văn hiến.

Khi thảo luận, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến định hướng phát triển nông thôn như thế nào. Hà Nội là đô thị đặc biệt và trong đô thị đó có nông thôn rất đa dạng (thuần nông, làng nghề, khu - cụm công nghiệp). Hàng loạt vấn đề sẽ đặt ra, ví dụ như phát triển nhà ở thế nào, đất sản xuất ra sao, rồi giải quyết vấn đề môi trường... Nếu không nghiên cứu kỹ và đặt ra định hướng phù hợp sẽ xảy ra sự lệch pha trong phát triển giữa các khu vực đô thị và nông thôn ngay trong lòng thủ đô.

* Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều quy hoạch đã có, giờ xuất hiện thêm đồ án này nữa thì liệu quy hoạch có chồng lên quy hoạch?


Vấn đề được nhiều chuyên gia, kiến trúc sư đặt ra là đồ án này kế thừa, phát triển các quy hoạch cũ như thế nào, nếu đưa ra quy hoạch mới phủ định hoàn toàn quy hoạch đã có thì không được, vì nó sẽ tạo ra những xung đột về quy hoạch và kết quả là lãng phí rất lớn. Ví dụ đồ án thiết kế các hành lang xanh: trên bản vẽ cứ vạch hành lang xanh thế thôi, nhưng dưới màu xanh đó là gì, quy hoạch cũ đang hiện diện ở đó như thế nào cũng cần phải tính cụ thể.

* Nghĩa là có khả năng nhiều hạng mục thuộc quy hoạch cũ sẽ bị loại trừ bởi quy hoạch mới?

Điều này cũng có thể xảy ra. Thế nên chúng ta đòi hỏi người làm quy hoạch phải đánh giá thực trạng về mọi mặt rất thấu đáo, tính thật kỹ, lý giải cụ thể từng vấn đề, xem xét dưới nhiều góc độ để giảm thiểu các xung đột quy hoạch. Cần nhớ là các quy hoạch trước đây cũng đã đặt Hà Nội trong mối liên hệ, phát triển vùng và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Thưa ông, cái khó mà nhiều người băn khoăn là làm sao lo đủ nguồn vốn khổng lồ để thực hiện đồ án?

Đồ án đặt vấn đề để thực hiện quy hoạch cần 60 tỉ USD đến năm 2030 và 90 tỉ USD đến năm 2050. Nếu nói nhiều quá, không khả thi, vậy chúng ta bớt đi cái gì? Tôi muốn nói là nếu tính toán tài chính cho bản quy hoạch cũng phải bắt đầu từ mục tiêu xây dựng thủ đô để từ đó chúng ta cần phải làm cái này, phải làm cái kia chứ không phải xuất phát từ chỗ chúng ta chỉ làm được cái này, chỉ làm được cái kia. Nếu nói rằng khả năng của ta chỉ làm được đến đó nên làm thế thôi thì không bao giờ có được quy hoạch như ý muốn.

* Nhiều người băn khoăn với việc dành quỹ đất ở chân núi Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai, ông nghĩ gì về việc này?


Vấn đề lớn như vậy nên việc phát sinh tâm lý như trong xã hội hiện nay là không tránh khỏi. Một câu hỏi được đặt ra là nếu đưa trung tâm hành chính là các cơ quan của Chính phủ về đấy thì các cơ quan khác của Đảng, Quốc hội thì sao? Khá nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ đầy đủ các căn cứ về lịch sử, văn hóa và một số yếu tố khác để quyết định đặt trung tâm hành chính quốc gia ở đâu.

* Trong báo cáo ý kiến về đồ án, ủy ban Kinh tế lưu ý đề phòng lợi ích nhóm khi tuyên truyền và thực hiện đồ án, xin ông nói rõ hơn?


Đây là quy hoạch định hướng cho 20-40 năm nữa, nếu không tuyên truyền, định hướng tốt dễ xảy ra tình trạng như mấy ngày gần đây là giá đất ở khu vực Ba Vì tăng chóng mặt. Cần tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu đúng về tính chất và nội dung đồ án này chứ nếu hiểu sai thì nó làm biến dạng, méo mó vấn đề. Nếu người dân không hiểu đúng thì một số nhóm lợi ích, như kinh doanh bất động sản, sẽ dựa vào tâm lý đó để trục lợi.

5 đô thị hạt nhân quanh thủ đô

Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng theo mô hình một đô thị trung tâm làm hạt nhân kết nối với năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn và các thị trấn sinh thái. Trục Thăng Long từ hồ Tây (Ba Đình) đến Ba Vì đi qua chuỗi đô thị mới và một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài độc lập và hệ thống công viên cảnh quan...

Mạng lưới giao thông công cộng gồm hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống sáu tuyến tàu điện ngầm/metro. Xây dựng mới tám tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối trung tâm với các đô thị vệ tinh. Từ đường vành đai 4 trở vào khu vực nội ô chủ yếu sẽ là hệ thống tàu điện ngầm.

Tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010-2030 dự trù khoảng 60 tỉ USD (trong đó quá nửa là đầu tư cho giao thông). Đến năm 2050 cần thêm khoảng 30 tỉ USD nữa để xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn trước mắt (2010-2020) huy động từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, FDI, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, dự kiến gần 31 tỉ USD.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ