Quyết định 133 của UBND TPHCM về triển khai thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện (Thanh tra Xây dựng cấp quận) và Thanh tra Xây dựng phường - xã, thị trấn (Thanh tra Xây dựng cấp phường) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3 - 12.
Theo quyết định này, lực lượng thanh tra vừa thành lập sẽ thay thế các Đội - Tổ Quản lý trật tự quận - huyện, phường - xã trước đây. Khi phát hiện sai phạm, Thanh tra Xây dựng phải lập biên bản đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm.
Thực hiện ngay
Theo ý kiến của một số quận - huyện thì việc thành lập Thanh tra Xây dựng (TTXD) cần phải có lộ trình và UBND quận - huyện cần phải ban hành quyết định thành lập và quy chế thực hiện cho phù hợp với từng địa phương, song Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng yêu cầu các quận - huyện triển khai ngay, không cần ban hành quyết định thành lập vì phải thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi xây dựng không phép, sai phép, tránh việc buông lỏng quản lý trong thời gian quá độ này.
UBND quận - huyện cần bổ nhiệm ngay chức danh Chánh TTXD cấp quận và Phó Chủ tịch UBND phường - xã phụ trách TTXD cấp huyện.
Đại diện quận 1 cho rằng, trước đây Đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) không có thẩm quyền xử phạt tiền nhưng hiện nay Chánh TTXD cấp quận được xử phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính tương đương với thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện là 10 triệu đồng.
Hơn nữa, quy định không nêu cụ thể Chánh TTXD được xử phạt hành chính trong các lĩnh vực nào mà chỉ quy định có thể xử phạt ngang với Trưởng Công an huyện, như vậy các quy định có chồng chéo? Quận 8 cũng nêu lên sự lúng túng không biết xử lý thế nào đối với việc ra quyết định cưỡng chế trong thời gian giao thời hiện nay.
Trước đây, khi nhận quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ mà chủ đầu tư không thực hiện thì 10 ngày mới cưỡng chế, thế nhưng theo QĐ này thì trong thời hạn 3 ngày, Chủ tịch UBND phường - xã có quyền ra quyết định cưỡng chế và phá dỡ ngay, như vậy có vi phạm Pháp lệnh xử phạt hay không? Đại diện sở -ngành TP cho rằng, QĐ 133 của UBND TPHCM căn cứ theo QĐ 89/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập TTXD quận - huyện, phường - xã, thị trấn tại TP Hà Nội và TPHCM. Những quy định này phù hợp với tình tình hình thực tế, do đó yêu cầu UBND quận-huyện thực hiện ngay và cứ yên tâm thực hiện theo quy định.
Ít người, nhiều việc: quản lý không xuể
Đại diện huyện Bình Chánh cho biết, Đội QLTTĐT của huyện hiện có 60 người nhưng là khu vực đô thị hóa với địa bàn rộng nên huyện là “điểm nóng” về vi phạm xây dựng, 60 người thực hiện còn không xuể huống chi hiện nay “rút” lại còn 15 - 20 người.
Hơn nữa, Đội QLTTĐT tại một số quận - huyện thực hiện cả lĩnh vực lập lại trật tự lòng lề đường và theo QĐ này thì TP còn yêu cầu TTXD kiểm tra, xử lý luôn các vấn đề về môi trường.
Do đó các quận - huyện đề xuất TP nên xem xét điều kiện cụ thể của từng quận-huyện để bố trí cho hợp lý. Đại diện này cũng nêu ra một thực tế, trong 60 người làm việc tại Đội QLTTĐT, chỉ có khoảng 4 người đáp ứng được tiêu chuẩn thanh tra viên (có trình độ đại học các chuyên ngành theo quy định).
Đó cũng là băn khoăn chung của hầu hết các quận-huyện vì theo quyết định này thì biên chế thanh tra viên là 15 - 20 người ở cấp quận, 3 - 4 người ở cấp phường.
Để nhanh chóng hình thành TTXD, trước mắt Sở Xây dựng yêu cầu UBND quận huyện tái sử dụng lại các anh em tại Đội QLTTĐT trước đây, ai đủ điều kiện thì bổ nhiệm làm Chánh TTXD, thanh tra viên rồi sau đó sẽ tổ chức các lớp đào tạo, các kỳ thi tuyển công chức và tuyển dụng thêm.
Mặc dù biên chế TTXD hiện nay khoảng 15 - 20 người nhưng QĐ 89 của Thủ tướng Chính phủ quy định, căn cứ quy mô, đặc điểm và nhu cầu quản lý mà Chủ tịch UBND TPHCM quyết định Thanh tra viên cụ thể cho TTXD cấp quận và cấp phường - ông Hùng trả lời. Kinh phí hoạt động của TTXD do ngân sách tại địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, TTXD được để lại 100% khoản thu phạt vi phạm về xây dựng và môi trường để chi cho các hoạt động chuyên môn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng