Đề xuất người vay mua nhà được giảm 30-50% lãi vay

Cập nhật 26/04/2020 10:55

HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn.

HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà

Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 và các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ, nên các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp và cá nhân

Do đó, HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.

Về phía người mua nhà, HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn tín dụng.

HoREA phân tích, mục tiêu tăng trưởng GDP nước ta năm 2020 là 6,8%, nhưng hiện nay ADB nhận định tăng trưởng GDP nước ta có thể đạt 4,8%, còn IMF dự báo chỉ đạt 2,7%.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khoảng 14%, nhưng đến giữa tháng 04/2020, mới tăng có 0,78%, chỉ bằng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019 (3,18%), nên cần có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn nữa.

“Việc Thủ tướng Chính phủ công bố “đại dịch COVID-19” và chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” thì có thể coi là “trường hợp bất khả kháng” do thiên tai, địch họa, dẫn đến “Trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng” theo Khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng. Trong tình thế như thời chiến thì đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó khác với giai đoạn bình thường trước đây” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Theo văn bản kiến nghị trên, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020, bao gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm 50% giá trị tài sản thế chấp; giãn tiến độ trả lãi, nợ; cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay; thực hiện quy định phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản nắm giữ do việc xử lý nợ vay trong thời hạn 03 năm; có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện “hoạt động cho vay hợp vốn; nới rộng thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng.

Đồng thời, HoREA một lần nữa đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp, áp dụng từ năm 2020 trở đi.

Thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Do đó HoREA đề nghị xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 03-06/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 05 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Cùng với đó, xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án thực hiện theo Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Dự án BT) được ký trước ngày 01/01/2018.

Bởi lẽ, theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định “1. Đối với các Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký Hợp đồng BT trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho Nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết. Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong Hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật đầu tư năm 2014, Luật xây dựng năm 2014, Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán (…)”.

Nhưng trên thực tế, nhiều dự án BT của các doanh nghiệp đã được ký kết trước ngày 01/01/2018, đã hoàn thành xây dựng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng hoặc đã hoàn thành phần lớn khối lượng công trình và đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận đủ điều kiện thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng BT, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, với lý do chờ hướng dẫn thực hiện. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn vì bị chôn vốn, bị tăng chi phí lãi vay ngân hàng.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành sớm có Văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Khoản 1 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP để giải quyết vướng mắc này, giúp cho nhà đầu tư được thanh toán theo Hợp đồng BT.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN