Ngày 6/3, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Vùng Thủ đô tập trung vào việc đánh giá tổng hợp thực trạng, ưu thế, nguồn lực, xác định qui mô phát triển vùng, cơ cấu kinh tế - xã hội, dân số, lao động và vấn đề đô thị hóa.
Quy hoạch đưa ra một số đề xuất: định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn gắn với quy hoạch sử dụng đất cùng các hình thái phát triển không gian đô thị và các hướng phát triển không gian trọng yếu; tổ chức phân bổ xây dựng các không gian kinh tế chủ yếu của vùng.
Cùng đó, quy hoạch cũng định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội diện rộng cấp quốc gia và vùng với các lĩnh vực y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng về giao thông, cấp nước, cấp điện, xử lí chất thải, bảo vệ môi trường; xây dựng những thể chế hoạt động và quản lí vùng thích hợp tạo điều kiện phát triển mang tính đột phá và lập chương trình, dự án đầu tư xây dựng.
Theo tầm nhìn đến năm 2050, Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng đô thị cao, đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời là Trung tâm chính trị, văn hoá - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và trung tâm du lịch lớn của vùng và cả nước.
Ranh giới Thủ đô Hà Nội mở rộng bao gồm ranh giới thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), diện tích của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Việc mở rộng ranh giới Thủ đô Hà Nội sẽ tạo được không gian phía tây Thủ đô có môi trường cảnh quan đẹp, rộng rãi, điều kiện địa hình, địa chất phù hợp cho việc phát triển các dự án tầm cỡ quốc gia, quốc tế như: Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Khu Đại học Quốc gia, Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, các khu đô thị mới... Đặc biệt, tại đây có thể lựa chọn để phát triển Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia mới.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất thành lập cơ quan phát triển Vùng do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp vùng; tạo điều kiện huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn từ tư nhân và tổ chức phi chính phủ...
Bộ Xây dựng còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh một số đồ án, dự án cấp vùng đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với tình hình mới, bao gồm: quy hoạch chung các thành phố trung tâm tỉnh lỵ.
Khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung; nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất diện tích tự nhiên và dân số các tỉnh trong vùng như Hà Tây, một số huyện của tỉnh Hoà Bình và Vĩnh Phúc nhằm tạo điều kiện phát triển, phát huy hiệu quả sự liên kết lãnh thổ trong xây dựng phát triển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng.